Triệt phá đường dây bắt cóc, ép trẻ em làm nô lệ

ANTĐ - Trong cuộc bố ráp ngôi làng ở Berevoesti, cách Thủ đô Bucharest 170km về phía Bắc, cảnh sát Romania đã phát hiện hàng chục thanh, thiếu niên bị bắt cóc tới đây làm nô lệ. Cơ quan điều tra hình sự DIICOT của Romania cho biết, họ bị đánh đập, lạm dụng, ép làm các công việc như khai thác gỗ bất hợp pháp, chăm sóc động vật và bị bỏ đói, cho ăn đồ thừa.

“Ngôi làng nô lệ”

Lớn lên tại một ngôi làng ở Romania, Lorena từng nghĩ những cô gái kể trên truyền hình việc họ bị đem bán làm nô lệ tình dục chỉ là một “kịch bản đã được lên sẵn” nhằm thu hút sự chú ý của khán giả truyền hình. Thế nhưng, đến khi chính mình “sập bẫy” thì Lorena mới nhận ra rằng đó hoàn toàn không phải chuyện bịa đặt. Theo lời Lorena, cô được một người bạn rủ đến Đức để làm nghề rửa chén bát tại một thị trấn gần thành phố London, với lời hứa có lương cao, có chỗ ngủ đàng hoàng, ăn uống no nê. 

Nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại, vừa mới đặt chân đến đây, Lorena đã bị tịch thu hộ chiếu và bị bọn “ma cô” buộc “tiếp khách”. Bị dày vò cả thể xác lẫn tinh thần, Lorena luôn tìm cách chạy trốn. 4 tháng sau, Lorena liều bỏ trốn. Cô gái chưa đầy 20 tuổi này chạy thục mạng suốt đêm. May mắn, Lorena đã được một người dân cho đi nhờ xe để đến cảnh sát trình báo vụ việc. 

Mỗi năm, hàng nghìn cô gái như Lorena, một số chỉ mới 13 tuổi, đã bị bắt cóc hoặc nhẹ dạ trước những lời hứa hẹn công việc lương cao hoặc lấy chồng giàu có, đã bị đem bán cho các băng nhóm tội phạm. Thân phận của họ không khác gì nô lệ thời xưa, không có quyền, bị lạm dụng và chỉ tồn tại để làm ra tiền cho chủ của họ.

Hôm 17-7 vừa qua, trong cuộc bố ráp ngôi làng ở Berevoesti, cách Thủ đô Bucharest 170km về phía Bắc, cảnh sát Romania đã bắt giữ 90 nghi phạm, đồng thời giải cứu 40 nam thanh thiếu niên nghi bị bắt cóc làm nô lệ. Phát ngôn viên của cơ quan điều tra tội phạm Romania DIICOT Mihaela Porime cho biết, các nạn nhân bị bắt cóc từ năm 2008, tại những nơi công cộng như nhà thờ, trạm xe lửa hoặc trong nhà của chính nạn nhân.

Những kẻ bắt cóc đưa nạn nhân về làng, ép họ làm việc nhà, chăm sóc động vật và khai thác gỗ bất hợp pháp. Không chỉ vậy, 40 thanh thiếu niên thường xuyên phải hứng chịu đòn roi, lạm dụng tình dục, bị bỏ đói và cho ăn thức ăn thừa. 

Tuy nhiên, những người dân trong ngôi làng lại phủ nhận những tuyên bố của giới chức. Họ nói rằng họ đã cưu mang các thanh thiếu niên mồ côi, vô gia cư và khẳng định không có chuyện bạo hành.

“Những chàng trai này đến làm việc tại nhà chúng tôi. Chúng tôi cho họ thực phẩm, chỗ ở. Chúng tôi không làm điều xấu gì với họ. Họ bất hạnh, không có cha hoặc mẹ nên chúng tôi cảm thấy tiếc cho họ và coi họ như những đứa con”, một phụ nữ địa phương giấu tên cho biết. 

Nhức nhối

Romania hiện nằm trong số 11 nước bị Liên hợp quốc liệt vào danh sách các nước buôn người hàng đầu. Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, có đến 1.400 nạn nhân của nạn buôn người là người Romania và 200 thủ phạm đã bị bắt giữ. 

Italia là quốc gia được người Romania chọn làm điểm đáp nhiều nhất. Khởi đầu, năm 2003 có khoảng 240.000 người Romania định cư hợp pháp tại Italia và lập thành một cộng đồng người nước ngoài đầu tiên tại Italia, trước cả người Maroc. Từ đó, các mạng lưới mafia buôn người hình thành.

Các tổ chức tội phạm này rất khó bị triệt hạ, vì chúng có đến hàng triệu chân rết trên khắp thế giới chuyên săn lùng trẻ em để mua đi bán lại. Khách hàng không thiếu và trẻ em luôn là miếng mồi ngon của bọn tội phạm. Chúng dụ dỗ, lừa gạt các phụ nữ trẻ ở Romania, đưa họ sang và ép họ làm việc trong các cơ sở kinh doanh tình dục trái phép. 

Nguyên nhân chính của nạn buôn bán trẻ em là sự nghèo đói cùng cực của nhiều gia đình ở Romania. Nhiều gia đình ở Romania do quá nghèo khổ đã tự bán con em mình cho những kẻ buôn người, hy vọng sau khi thay đổi, ở nước ngoài con em mình có cuộc sống tốt hơn. Ngoài ra, theo một đại diện tổ chức chọn lựa xã hội Romania, cho biết: “Các thanh thiếu niên đi ra nước ngoài thường là chạy trốn khỏi gia đình. Các gia đình bị tan vỡ, hoặc vì nghèo đói, tệ nạn rượu chè”. 

Theo điều tra của cảnh sát Romania, trong những năm gần đây nước này có hàng nghìn trẻ em bị bán ra nước ngoài, 180 trẻ trong số đó đã được cơ quan chức năng tìm được ở Anh. Chính phủ Romania cho biết, họ đang tìm cách chống lại nạn buôn người và lạm dụng tình dục ở nước này.