Triển vọng mờ mịt
Còn hơn một năm nữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới diễn ra, ấy vậy mà nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã bắt đầu tìm cách rời bỏ thủ lĩnh của mình là Tổng thống W. Bush. Chưa bao giờ tình hình trong đảng Cộng hòa lại chia rẽ đến vậy.
Cuộc đua giành quyền đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống đang bước vào thời điểm quyết định. Những tin tức mới nhất cho biết cựu Thị trưởng thành phố New York, ông R. Giuliani đang dẫn đầu với 27% số phiếu ủng hộ. Tiếp theo là Thượng nghị sĩ bang Arizona J. McCain, 19%, cựu Thượng nghị sĩ bang Tennessee F. Thompson, 14%, và cựu Thống đốc bang Massachusetts M. Romney, 8%.
Nhưng đó không phải là điều mà phe Cộng hòa quan tâm. Những ngày này, hầu như tất cả sự chú ý trong đảng đều đổ dồn về thông tin vừa được tạp chí Newsweek công bố trên cơ sở cuộc thăm dò dư luận do tạp chí này tiến hành. Theo đó, bất kỳ ai trong số ba ứng cử viên Tổng thống hàng đầu hiện nay của đảng Dân chủ là bà Hillary, ông B. Obama hoặc ông J. Edwards cũng đều có thể đánh bại hai ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa là R. Giuliani và J. McCain trong cuộc tranh cử cuối năm 2008.
Điều gì đã đẩy đảng Cộng hòa và các ứng cử viên của đảng này vào tình thế bất lợi như vậy? Không cần phân tích nhiều cũng có thể tìm được câu trả lời. Tất cả đều bắt nguồn từ đất nước vùng Vịnh xa xôi – Iraq. Quả thật, sự bất ổn ở Iraq chẳng những cướp đi tương lai của đất nước này mà còn đe dọa mọi cơ hội thăng tiến của bất cứ chính trị gia nào có liên quan đến nó.
Nhìn lại quá khứ, chính thất bại trên chiến trường Iraq đã buộc đảng Cộng hòa phải trả giá đắt bằng thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ cuối năm 2006. Sau 12 năm chịu cảnh “chiếu dưới”, đảng Dân chủ đối lập đã trở lại chi phối Đồi Capitol (nơi đặt tòa nhà Quốc hội Mỹ). Điều đó đồng nghĩa với việc thời Nhà Trắng thoải mái định đoạt các chính sách nhờ sự hậu thuẫn của Quốc hội do đảng Cộng hòa cho phối chỉ còn là quá khứ.
Còn hiện tại, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 4 ngày sau khi ông W. Bush phủ quyết dự luật do đảng Dân chủ đề xuất ấn định thời gian biểu cho việc rút quân đội Mỹ khỏi Iraq trước tháng 4-2008, uy tín của ông W. Bush đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 28%. Rõ ràng, dù ông W. Bush có đặc quyền của Tổng thống phủ quyết các dự luật do Quốc hội đề xuất nhưng ông làm sao có thể xoay chiều được tâm lý dư luận đang ngày càng nghiêng về đối thủ của ông là đảng Dân chủ trong các giải pháp liên quan đến Iraq.
Thêm vào đó, dù yêu cầu rút quân bị ông W. Bush phủ quyết nhưng đảng Dân chủ đâu phải đã chịu yên. Hôm 4-5, các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã tuyên bố sẽ không lùi bước trong cuộc đối đầu với ông W. Bush về vấn đề Iraq. Chủ tịch Hạ viện N. Pelosi (người của đảng Dân chủ) đang thảo luận một dự luật mới theo hướng sẽ cấp đủ tiền cho cuộc chiến theo yêu cầu của Nhà Trắng nhưng chỉ bảo đảm khoản tiền như vậy cho tới hết tháng 7-2007. Sau đó, Quốc hội có thể không cho phép cấp thêm tiền nếu Chính phủ Iraq không thỏa mãn các điều kiện chính trị và an ninh do Mỹ đặt ra cho từng thời kỳ.
Trong cảnh “đâm lao thì phải theo lao” bởi chấp nhận rút quân đồng nghĩa với việc thừa nhận mình thất bại, ông W. Bush sẽ vẫn tiếp tục chính sách can dự của mình ở Iraq, bất kể triển vọng tình hình tại đất nước vùng Vịnh như thế nào. Thế nhưng, nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa, nhất là những nghị sỹ sẽ phải tranh cử lại trong kỳ bầu cử Tổng thống 2008, không thể như ông W. Bush tiếp tục đánh cược tương lai chính trị của mình với triển vọng mờ mịt của Iraq. Đó là lý do nhiều người tính chuyện phải sớm xa lánh ông W. Bush. Họ chẳng thể bám theo tư duy lỗi thời để nắm chắc phần thất bại.
Hoàng Sơn