Ấn Độ

Trẻ em mất tích là “mồi ngon” của tội phạm buôn người

ANTĐ - Theo thống kê của các nhà chức trách Ấn Độ, tính trung bình, cứ 8 phút có một trẻ em mất tích ở Ấn Độ và gần một nửa trong số đó có thể sẽ không bao giờ được tìm thấy. Phần lớn những đứa trẻ mất tích xuất thân từ những gia đình nghèo khó. Các nhà nghiên cứu xã hội học ở Ấn Độ cho rằng, nhiều trẻ em mất tích đã “rơi” vào tay của những kẻ buôn người.

Trẻ em mất tích là “mồi ngon” của tội phạm buôn người ảnh 1Laureate Kailash Satyarthi, người sáng lập “Bachpan Bachao Andolan” - một tổ chức hành động vì quyền trẻ em ở Ấn Độ

Cứ 8 phút có một trẻ em mất tích

Abhinav, 18 tháng tuổi bị mất tích năm ngoái trong khi chơi bên ngoài nhà riêng ở ngoại ô Delhi. Cô Priyanka, 27 tuổi,  mẹ của Abhinav vẫn đang từng giờ, từng phút trông ngóng thông tin về con của mình. Gia đình cô đã đến đồn cảnh sát để trình báo nhưng đến nay, mọi thứ vẫn là “phải chờ đợi”. Chabbulal, 40 tuổi, chủ một cửa hàng tạp hóa ở khu ổ chuột Delhi cho cậu con trai 10 tuổi Rahul đi mua thuốc nhưng ba năm sau đó, Rahul vẫn chưa trở về. “Tôi không thể ngủ được”, Chabbulal nói. “Mỗi đêm, tôi đều cầm bức ảnh của Rahul đặt vào trái tim và chờ đợi điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Đôi khi tôi cảm thấy như có hàng trăm mũi dao đâm vào tim mình“.

Theo Trung tâm thống kê tội phạm Ấn Độ, gần 100.000 trẻ em dưới 18 tuổi bị mất tích tại Ấn Độ mỗi năm. Tính trung bình, cứ 8 phút, có một trẻ em Ấn Độ bị mất tích. Bà Sandhya Bajaj của Ủy ban Bảo vệ Quyền trẻ em nói rằng, con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì công tác thống kê khó có thể đưa ra con số chính xác tuyệt đối. “Hầu hết những đứa trẻ bị mất tích xuất thân từ những gia đình nghèo và họ không được coi là con người bình đẳng như những tầng lớp khác trong xã hội”, bà Sandhya Bajaj nói.

Các nhà hoạt động nhân quyền tin rằng, nhiều trẻ em bị mất tích là “con mồi” của những kẻ buôn người. Những trẻ em bị mất tích khi “rơi” vào tay của những kẻ buôn người sẽ bị khai thác sức lao động, phải đi ăn xin và hoạt động mại dâm. Những trẻ em thiệt mạng có thể bị buôn bán nội tạng. Laureate Kailash Satyarthi, người sáng lập “Bachpan Bachao Andolan” - một tổ chức hành động vì quyền trẻ em nói rằng, 47% số trẻ em mất tích ở Ấn Độ không bao giờ được tìm thấy. “Trong số trẻ em bị mất tích, 60% là trẻ em gái và đây là một vấn đề rất đáng quan tâm vì sau khi bị bắt cóc, họ sẽ nhanh chóng bị đưa đến những địa điểm bí mật mà không ai có thể tiếp cận”, Laureate Kailash Satyarthi nhận định.

“Chiến dịch nụ cười”

Sau khi Tòa án tối cao của Ấn Độ chỉ trích rằng, cảnh sát không có hành động gì để ngăn chặn tình trạng trẻ em mất tích đáng báo động thì gần đây, chính quyền New Delhi đã triển khai chiến dịch đặc biệt mang tên “Chiến dịch nụ cười” với mục đích tìm kiếm trẻ em mất tích. Ít nhất 300 trẻ em mất tích đã được đoàn tụ cùng gia đình, có những em đã mất tích trong nhiều năm.  

“Cháu đi cùng một người bạn nhưng chúng cháu lạc nhau ở nhà nhà ga xe lửa“, Mohit, cậu bé mới được đoàn tụ với gia đình nhớ lại. “Cháu đến Jaipur và một người phụ nữ đã nói cháu đi theo, cùng với mấy đứa trẻ khác. Công việc chính của cháu là nhặt chai nhựa đã qua sử dụng đem bán. Khi không làm việc, cháu bị họ đánh đập, không cho ăn uống”. Mohit đã phải sống cùng người phụ nữ lạ mặt 5 năm cho đến khi cảnh sát tìm thấy và đưa cậu quay trở về gia đình ở ở New Delhi. “Có lẽ, cháu sẽ không bao giờ rời khỏi nhà thêm một lần nữa”. Bà Devi, mẹ của Mohit chia sẻ: “Chúng tôi đã mất hết hy vọng vì cảnh sát dường như không quan tâm đến việc tìm kiếm trẻ em mất tích nhưng rất may, họ đã đưa Mohit quay trở về vào tháng trước. Nó đã mang lại nguồn sinh khí mới cho gia đình tôi, giống như những lời cầu nguyện của chúng tôi đã được thần linh nghe thấy”.

“Chiến dịch Operation Smile được triển khai cách đây vài tháng. Đó là nỗ lực của chúng tôi để chứng minh rằng, lực lượng cảnh sát không hề “vô cảm” trước tình trạng trẻ em mất tích”, Runvijay Singh, trợ lý cảnh sát chia sẻ. “Hiện nay, chúng tôi đã thành lập một lực lượng chuyên trách giúp điều tra, tìm kiếm các trường hợp trẻ em mất tích. Lực lượng này gồm các thành viên hết sức tinh nhuệ và tận tâm với công việc”, Runvijay Singh nói tiếp.