Tranh luận trái chiều về Dự Luật Phòng chống buôn bán người ở Ấn Độ

ANTD.VN - Gái mại dâm hoạt động trong khu phố đèn đỏ ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ phản ứng dữ dội với dự Luật Phòng chống buôn bán người vì cho rằng, quy định của pháp luật đã bỏ qua những người tự nguyện tham gia hoạt động mại dâm. 

Nhiều ý kiến cho rằng dự luật không phân biệt giữa phụ nữ bị ép buộc và phụ nữ tự nguyện hoạt động mại dâm 

Tự nguyện làm gái mại dâm để nuôi gia đình

Dự Luật Phòng chống buôn bán người ở Ấn Độ gây nên những luồng dư luận trái chiều. Gái mại dâm tại một trong những “kotha” (nhà thổ) nằm trên đường GB ở Thủ đô  New Delhi, Ấn Độ cho rằng, luật không phân biệt giữa phụ nữ bị buôn bán, bị ép buộc hoạt động mại dâm và những người chọn con đường bán dâm để mưu sinh.

“Không ai buộc tôi phải làm điều này. Tôi làm điều đó vì nó mang lại thu nhập tốt hơn một người giúp việc hay công nhân nhà máy. Nhưng với Luật Phòng chống buôn bán người, nếu cảnh sát tấn công “kotha”, tôi sẽ bị đưa vào trại giam và gửi đến trung tâm phục hồi nhân phẩm. Quyền tự do lựa chọn công việc của tôi ở đâu”, Sanjana Murali, một gái bán dâm 32 tuổi nói.

Murali đã làm việc trong “kotha” được 9 năm, kể từ khi cô đến Delhi từ một ngôi làng gần Hyderabad, phía Nam Ấn Độ. Hầu hết số tiền kiếm được, cô đều gửi về cho gia đình. “Tôi không muốn sự giúp đỡ của Chính phủ. Tôi làm gái mại dâm để có tiền nuôi 2 con, giúp đỡ cha mẹ và những người anh em. Nếu Chính phủ nghĩ rằng, tôi nên được “giải cứu” và đào tạo công việc may quần áo để tồn tại thì đó hoàn toàn sai. Công việc may mặc không giúp tôi có đủ tiền để nuôi sống gia đình”, Murali nói.

“Dự luật có một số quy định có thể vi phạm quyền con người. Những cáo buộc gần đây về tình trạng lạm dụng tình dục tại các nhà tạm trú và trung tâm phục hồi nhân phẩm do Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ điều hành ở Delhi và nhiều địa phương khác cũng làm tăng thêm lo ngại về sự an toàn của gái mại dâm được giải cứu”. 

Asmita Basu (Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế Ấn Độ)

Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, dự luật sẽ là một giải pháp hữu hiệu chống buôn người nhưng cũng cho rằng, nhân viên cảnh sát có thể sẽ đe dọa, quấy rối những người bán dâm đồng thuận. Trước đó, khi Nghị sĩ Shashi Tharoor nêu quan điểm tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ Maneka Gandhi nói rằng, luật sẽ không nhắm vào đối tượng gái bán dâm tự nguyện.

“Tại sao không có một điều trong dự luật quy định vấn đề này. Luật đã trao quyền để cảnh sát làm phiền gái bán dâm và tước đi quyền của phụ nữ”, Tiến sĩ Smarajit Jana thuộc Ủy ban Durbar Mahila Samanwaya, nơi có sự tham gia của 65.000 gái bán dâm ở Tây Bengal nói. Smarajit Jana cho biết thêm, gái bán dâm thường là lao động chính trong gia đình. Thu nhập của họ được dùng để trang trải tiền ăn, tiền thuê nhà, chăm sóc người thân, học phí cho con cái…  

Cuộc sống của người bán dâm tồi tệ hơn?

Tiến sĩ Smarajit Jana cũng chỉ trích mô hình “đột kích - phục hồi nhân phẩm” trong dự thảo luật để giải quyết nạn buôn người. Theo đó, khi cảnh sát nghe tin có phụ nữ, trẻ em bị bán, ép buộc bán dâm thì sẽ đột kích vào “kotha”, giải cứu các nạn nhân và gửi họ đến trung tâm phục hồi nhân phẩm. “Khi đưa gái bán dâm vào trung tâm phục hồi nhân phẩm, ai sẽ chăm sóc con cái của họ? Chính quyền không thể tách các bà mẹ khỏi con cái. Dự luật có thể làm cho cuộc sống của người bán dâm tồi tệ hơn”, Tiến sĩ Smarajit Jana nói.  

Kusum, Chủ tịch mạng lưới công nhân lao động tình dục ở Ấn Độ nói rằng, không có công đoàn hay tổ chức nào được tham gia tư vấn trong việc soạn thảo dự luật. “Tôi chỉ nghe về dự luật vài tháng trước thông qua mạng Internet. Tuy nhiên, rất nhiều gái bán dâm không biết về dự luật này”, Kasum nói. Tháng 6-2018, hơn 4.000 gái bán dâm trên khắp Ấn Độ đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Phụ nữ Gandhi, bày tỏ mối quan tâm về dự luật nhưng không nhận được phản hồi.

(* Tên nhân vật đã được thay đổi)