Tranh cãi quanh vụ lộ mật ngay trong Nhà Trắng

ANTD.VN - Trong khi chính quyền ra sức bảo vệ thì chính giới và đồng minh của Washington lo ngại sâu sắc về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ thông tin tối mật trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga tại Nhà Trắng.

Tranh cãi quanh vụ lộ mật ngay trong Nhà Trắng ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 10-5

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump “phá lệ” đón tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại phòng Bầu dục trong Nhà Trắng, nơi vốn chỉ dành đón tiếp các vị khách là nguyên thủ hay người đứng đầu chính phủ vào ngày 10-5 đã gây ra không ít điều tiếng thì chuyện chủ nhân Nhà Trắng tiết tộ thông tin tình báo tối mật trong cuộc gặp này càng khiến dư luận “dậy sóng”.

Những thông tin tối mật này, sau đó được giới chức Mỹ giấu tên tiết lộ, là thông tin tình báo về một kế hoạch chống lại tổ chức  “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng do Israel cung cấp cho Mỹ. 

Cho dù Israel chưa chính thức phản ứng song chính giới Mỹ, dư luận nước này và thế giới đã chỉ trích mạnh mẽ điều mà họ cho là bất cẩn và nguy hiểm khi Tổng thống Donald Trump tiết lộ thông tin tình báo của một quốc gia đồng minh thân cận với bên thứ ba, đặc biệt là Nga, khi chưa được sự chấp thuận. Việc tiết lộ này có thể khiến nguồn cung cấp tin tình báo cho Israel bị vô hiệu hóa và đặc biệt là gặp nguy hiểm.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện cho rằng việc tiết lộ các phương pháp và nguồn tin tình báo là không thể chấp nhận được, đặc biệt là với Nga. Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã vào cuộc yêu cầu Nhà Trắng cung cấp thông tin liên quan đến những cáo buộc cho rằng Tổng thống Donald Trump tiết lộ tin tức tình báo nhạy cảm trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak.

Tuy nhiên, đích thân Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông đã thay nhau “đăng đàn” để biện minh cho việc chia sẻ thông tin tình báo với phía Nga.

Trên kênh thông tin ưa thích Twitter cá nhân, Tổng thống Donald Trump cho cho biết, chỉ chia sẻ với Nga những thông tin liên quan đến khủng bố nhằm giúp Matxcơva trong cuộc chiến chống IS, đồng thời khẳng định việc này  “hoàn toàn nằm trong quyền hạn của Tổng thống”. Còn Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H. R.  McMaster cũng cho rằng, việc Tổng thống Donald Trump chia sẻ thông tin giúp bảo vệ và tăng cường an ninh quốc gia là hành động phù hợp.

Việc Tổng thống Donlad Trump liên tiếp có những hành động được xem là bất thường, như đột ngột sa thải Giám đốc Cơ quan Điều tra liên bang (FBI) James Comey và tiết lộ thông tin tình báo tối mật với Nga, đã khiến 48% số người Mỹ tham gia cuộc thăm dò do Public Policy Polling công bố ngày 16-5 nói muốn tiến hành luận tội đối với ông. Song cũng bất ngờ không kém là lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi đã thẳng thừng bác bỏ những lời kêu gọi trong nội bộ đảng đối lập này đòi luận tội Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Donald Trump có thể không phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý nào sau vụ tiết lộ thông tin tình báo tối mật với Nga, song điều này đã làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của ông mà theo Viện Nghiên cứu Gallup, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông ở mức thấp nhất so với các đời Tổng thống Mỹ kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu từ năm 1953. Trong khi đó, hãng tin AP dẫn lời quan chức tình báo cấp cao châu Âu cho biết họ có thể ngừng chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ sau vụ lộ mật ngay tại Nhà Trắng.