Trách nhiệm và sự tôn trọng khi đi "du lịch u tối" ở Chernobyl

ANTD.VN - Gần đây, Chernobyl, miền Bắc Ukraine đã trở thành “điểm nóng” về mảng “du lịch u tối”. Đến thăm những địa điểm từng xảy ra thảm kịch như vậy có thể là một trải nghiệm thực sự trong cuộc đời mỗi người nhưng đằng sau những chuyến đi này, thái độ, hành vi ứng xử thế nào là phù hợp đang vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Ngày càng đông du khách đến với Chernobyl - nơi xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986 thế kỷ trước và vẫn còn lượng bức xạ rất lớn

Cách đây 33 năm, Chernobyl rơi vào thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới khi một vụ nổ lò phản ứng hạt nhân gây ô nhiễm phóng xạ trên một khu vực rộng lớn, toàn bộ dân cư phải sơ tán. Ngày nay, các nhóm khách du lịch đổ về thành phố Pripyat bị bỏ hoang, sát với Chernobyl, để chứng kiến cảnh hoang tàn, vắng vẻ và nghiệt ngã trên nền âm thanh kỳ lạ là tiếng bíp của máy theo dõi bức xạ. “Đó là nơi gần như hầu hết mọi người đã chết. Và du khách cũng có thể đối mặt với sự đe dọa tính mạng của chính mình”, Karel Werdler - một giảng viên cao cấp về lịch sử tại trường Đại học InHolland, Hà Lan cho biết. 

Chernobyl là một trong những ví dụ phổ biến nhất của hiện tượng được gọi là “du lịch u tối” - thuật ngữ chỉ hoạt động tham quan các địa điểm liên quan đến sự chết chóc, rùng rợn và đau thương. 

Nở rộ loại hình “du lịch u tối”

Chernobyl và Pripyat đã có mặt trên bản đồ “du lịch u tối” kể từ khi khu vực loại trừ phóng xạ mở cửa cho du khách vào năm 2011, nhưng theo các nhà điều hành tour, số lượng người đổ xô về đây ngày một đông một phần từ sau sự ra mắt series phim ngắn của HBO mang tên “Chernobyl”. “Sau những đoạn phim đó, tôi bắt đầu xem rất nhiều phim tài liệu để tìm hiểu thêm về những gì đã xảy ra ở Chernobyl. Tôi phát hiện ra có những tour du lịch và bạn có thể ghé qua”, du khách Edgars Boitmanis, từ Latvia, nói.

Chernobyl không phải là khu vực chết chóc duy nhất đứng đầu danh sách “phải ghé thăm” của mảng “du lịch u tối”. Khoảng 2,15 triệu lượt người đã đến thăm trại Auschwitz-Birkenau ở Ba Lan vào năm 2018, tăng hơn khoảng 50.000 lượt người so với năm trước. Đó là một sự gia tăng không lớn lắm về mặt số lượng, nhưng dường như phản ánh một xu hướng toàn cầu, bởi năm 2018, ngành du lịch thế giới có sự tăng trưởng vượt bậc, với 1,4 tỷ lượt du khách quốc tế, trong đó, ngành du lịch “u tối” cũng đang leo thang.

Các chuyên gia khuyên du khách đi “du lịch u tối” nên tự tìm hiểu trước chuyến đi về lịch sử vùng đất cùng câu chuyện của những con người ở đó, để hiểu điều gì thực sự xảy ra và tôn trọng những gì còn lại. Tất nhiên, tận mắt chứng khiến và khám phá sẽ mang lại cho bạn cảm nhận riêng không có trong sách báo. Nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, để có một chuyến “du lịch u tối” có ý nghĩa thì hãy tới thăm bằng trách nhiệm và sự tôn trọng.

 “Du lịch u tối” (Dark Tourism) là một thuật ngữ được đưa ra vào những năm 1990, khi các học giả khám phá lý do tại sao khách du lịch lại đến thăm hiện trường vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy. Khái niệm này đôi khi cũng được gọi là “Thanatourism” - bắt nguồn từ “Thanatos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là cái chết hoặc đau buồn. Nhưng trước đó, nhiều du khách đã tìm đến những khu phế tích trong lịch sử, như Pompeii, một trong những địa danh du lịch hàng đầu của Italia, là thành phố bị phá hủy trong trận núi lửa vào năm 79 sau Công nguyên và bắt đầu thu hút du khách từ thế kỷ XVIII tới nay.

Tony Johnston, người đứng đầu ngành Du lịch tại Học viện Công nghệ Althone ở Ireland phân tích, động lực thúc đẩy du khách đến thăm những nơi này tùy theo tính chất của mỗi địa điểm và tùy theo sở thích cá nhân. Có người tới đó trong một chuyến tham quan kết hợp, có người thì theo đuổi niềm đam mê lịch sử.

Ông Johnston cũng cho rằng, có những người muốn tìm cảm xúc mạnh và một nhóm nhỏ có thể có một mối quan tâm mang tính tiêu cực. “Thông thường, mục đích của khách du lịch là tìm hiểu về nơi đã chứng kiến sự việc đen tối, nó có thể phản ánh về những sai lầm trong quá khứ và rút ra bài học trong tương lai, để không lặp lại sai lầm lần nữa”, ông Johnston nói.

Nhưng, Rebekah Stewart, nhà quản lý tại tổ chức nghiên cứu Trung tâm Du lịch có trách nhiệm - trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) cho rằng, động lực chính là điểm cốt lõi của chuyến đi. “Trước khi đến những nơi từng xảy ra những tấn thảm kịch, hãy xác định ý định của bạn là gì. Bạn đến đó để tăng cường hiểu biết và bày tỏ sự tôn trọng hay là chỉ đến để chụp ảnh đánh dấu và thỏa mãn bản thân?”.

Du khách đều có trải nghiệm khó quên mỗi khi đến với Pompeii, Italia - vùng đất đã bị san bằng trong động đất từ gần 2.000 năm trước

Thái độ ứng xử thế nào là phù hợp?

Những tháng gần đây, một số hiện tượng nổi lên khiến cộng đồng du lịch đặt câu hỏi thế nào là hành vi phù hợp tại những nơi này? Vào tháng 3-2019, Bảo tàng Tưởng niệm Auschwitz đã đăng trên Twitter hình ảnh du khách tạo dáng trên đường ray xe lửa bên ngoài trại và viết: “Hãy nhớ rằng bạn đang ở nơi mà hơn 1 triệu người đã thiệt mạng”. Ngay trong tháng 6-2019, người dùng Twitter Bruno Zupan đã chia sẻ 4 bức ảnh về những người đến thăm Chernobyl có chủ ý. Trong số này, hình ảnh một phụ nữ cố tình để hở nội y trong bộ trang phục bảo hộ chống chất nguy hiểm đã khiến cư dân mạng phẫn nộ.

Đối với một số người, chụp bất kỳ bức ảnh nào ở những nơi này cũng là thiếu tôn trọng những người đã khuất. Chụp ảnh là một phần không thể thiếu giúp khách du lịch thời hiện đại ghi lại hành trình của họ, tương đương với việc viết “Tôi đã ở đây” trên tường như thời trước, nhưng nếu chụp ảnh “tự sướng” ở những nơi đặc biệt này thì không phù hợp.

Các chuyên gia còn cho rằng, không chỉ du khách cần xem xét lại cách đối xử với các điểm du lịch, mà cả ban quản lý di tích cũng cần có sự nhìn nhận nghiêm túc. Ông Karel Werdler, thuộc trường Đại học InHolland chỉ ra rằng, hầu hết các điểm du lịch đều cần điểm đỗ xe, nhà vệ sinh và nhà hàng. “Tôi nghĩ rằng việc ngồi ăn trưa trong một nhà hàng ở khu chứng tích Auschwitz là không thích hợp. Nhưng nhiều người không để ý tới điều đó”.

Tại tỉnh Fukushima, Nhật Bản - nơi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần dẫn đến sự cố hạt nhân nghiêm trọng năm 2011, chính quyền địa phương đã có ý thức tránh du lịch thảm họa, thay vào đó là quảng bá khu vực này như một nơi an toàn, thú vị. Ông Jun Muto, người đứng đầu bộ phận du lịch thuộc Hiệp hội các sản phẩm địa phương và du lịch tỉnh Fukushima nói với CNN Travel rằng họ đang tập trung vào “du lịch hy vọng”. Muto và nhóm của ông muốn du khách chứng kiến một “Fukushima đang hồi phục sau thảm họa hạt nhân, nhưng cũng là vùng đất có bề dày lịch sử, thiên nhiên phong phú và nhiều điểm tham quan tuyệt vời”.

Vì vậy, đâu là ranh giới giữa một chuyến du ngoạn kích thích tư duy, giáo dục và sự rùng rợn, sai lầm? Đối với một số bảo tàng và đài tưởng niệm, họ tập trung vào hiện vật và câu chuyện của người sống sót và đứng dậy sau thảm kịch. Nhiều du khách đến Auschwitz và các trại tập trung châu Âu khác được nghe những câu chuyện của nạn nhân và tận mắt nhìn thấy hiện vật của họ, và đó thường là phần gây ảnh hưởng và cảm động nhất trong chuyến thăm.

Các chuyên gia khuyên du khách nên tự tìm hiểu trước chuyến đi về lịch sử vùng đất cùng câu chuyện của những con người ở đó, để hiểu điều gì thực sự xảy ra và tôn trọng những gì còn lại. Tất nhiên, tận mắt chứng kiến và khám phá sẽ mang lại cho bạn cảm nhận riêng không có trong sách báo. Nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, để có một chuyến “du lịch u tối” có ý nghĩa thì hãy tới thăm bằng trách nhiệm và sự tôn trọng.