Trắc trở cuộc "ly hôn" giữa Anh và Liên minh châu Âu

ANTD.VN - Cuộc “hôn nhân” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đổ vỡ, song tìm kiếm một bản thỏa thuận cho cuộc “ly hôn” mang tên Brexit (Anh rời khỏi EU) cũng trắc trở không kém với cả hai bên.

Cuộc đàm phán về vấn đề Brexit giữa EU và Anh đã giậm chân tại chỗ nhiều tháng nay

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier ngày 29-8 cho biết, liên minh này sẵn sàng đề xuất một mối quan hệ gần gũi chưa từng có tiền lệ với Anh sau khi nước này rời khỏi “ngôi nhà chung” EU. Tuyên bố này của người đứng đầu đoàn đàm phán của EU về vấn đề Brexit rất được chú ý trong bối cảnh cuộc đàm phán này giữa EU và Anh đang lâm vào bế tắc.

Mối quan hệ “gần gũi chưa từng có tiền lệ”, theo ông Barnier, đó là EU sẵn sàng đề xuất những chính sách để Anh là đối tác gần gũi mà liên minh này chưa bao giờ có với một nước thứ ba khác, về cả kinh tế, ngoại giao và an ninh. Tuy nhiên, vị trưởng đoàn đàm phán của EU cũng lưu ý rằng, mọi ưu ái đối với Anh cũng có “ranh giới đỏ” là không được “ảnh hưởng đến thị trường chung châu Âu”. 

Việc EU bất ngờ ngỏ lời có “biệt đãi” đối với nước Anh không chỉ bởi quốc gia này từng có thời gian vài chục năm “mặn nồng” trong “ngôi nhà chung” EU mà còn được xem là nhằm phát đi thông điệp rằng liên minh sẵn sàng dành ưu tiên cao độ cho London để đạt được thỏa thuận về vấn đề Brexit. Cuộc đàm phán giữa EU và Anh đã giậm chân tại chỗ nhiều tháng nay trong khi thời điểm nước Anh rời khỏi liên minh này vào tháng 3-2019 ngày càng tới gần.

Trở ngại lớn nhất là cuộc đàm phán giữa hai bên về vấn đề biên giới với Ireland vẫn không có tiến triển nào mới kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh EU hồi cuối tháng 3 tới nay. Chính phủ Ireland muốn đường biên giới mềm phải được đảm bảo nếu như thỏa thuận quan hệ thương mại tương lai giữa Anh và EU không có điều kiện này. 

Thế nhưng, Thủ tướng Anh Theresa May từ chối đưa ra những cam kết theo yêu cầu của Ireland với lý do không thể đưa ra hứa hẹn khi không biết chi tiết của tương lai quan hệ Anh-EU hậu Brexit sẽ như thế nào. Đáp lại, Ireland dọa dùng quyền phủ quyết kết quả cuộc đàm phán giữa EU và Anh nhằm đạt bằng được yêu cầu của Ireland.

Bên cạnh đó, Anh và EU cũng còn nhiều bất đồng trong việc đàm phán về Brexit, trong đó trong những vấn đề còn có khác biệt lập trường lớn giữa hai bên liên quan tới khối thị trường chung. EU muốn Anh phải tôn trọng những nguyên tắc căn bản của liên minh này mà theo đó “thị trường đơn lẻ phải là thị trường đơn lẻ”. Tuy nhiên, Anh chỉ muốn áp dụng các nguyên tắc của thị trường đơn lẻ đối với giao thương hàng hóa, nhưng không áp dụng những nguyên tắc này với ngành dịch vụ.

Sự khác biệt lập trường quá lớn trong khi không ai chịu xuống nước để lùi lại sau lằn “ranh giới đỏ”, nên không chỉ EU mà Anh cũng đang chuẩn bị cho một “kịch bản tồi tệ” là không đạt được thỏa thuận về Brexit vào thời điểm nước Anh chính thức “ly hôn” với EU vào ngày 30-3-2019. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề cập tới điều này khi khẳng định việc duy trì sự thống nhất của EU quan trọng hơn việc thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với Anh sau Brexit. 

Nếu nước Anh rời EU sau ngày 30-3-2019 mà không có “thỏa thuận ly hôn” sẽ là thảm họa đối với cả hai bên bởi không còn tồn tại bất kỳ khung pháp lý nào giữa Anh và EU để hai bên thực hiện các hoạt động từ an ninh, kinh tế-thương mại cho tới lãnh sự. Tương lai u ám này là một lý do quan trọng để ông Barnier đưa ra lời đề nghị “biệt đãi” đối với Anh, song nó có đủ sức hấp dẫn để London nhượng bộ không lại là vấn đề khác.