Trả giá đắt sau vụ sát hại dã man nhà báo Khashoggi

ANTD.VN - Cho dù là đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ tại Trung Đông và trong thế giới Hồi giáo, song Saudi Arabia đang phải trả giá đắt sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại dã man.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra tại một địa điểm nghi phi tang xác nhà báo Jamal Khashoggi sau khi bị sát hại ở Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul

Đang có những thông tin khác nhau về việc tìm thấy thi thể của nhà báo Jamal Khashoggi - quốc tịch Saudi Arabia nhưng sinh sống tại Mỹ - bị sát hại sau khi tới Tổng lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-10 vừa qua. Lãnh đạo Đảng Yêu nước quốc gia (VATAN) Thổ Nhĩ  Kỳ Dogu Perincek ngày 23-10 cho biết thi thể của nhà báo Khashoggi đã được tìm thấy trong một chiếc giếng tại nơi ở của lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, còn đài Sky News cho biết thêm thi thể bị cắt lìa và khuôn mặt bị biến dạng của nhà báo bị sát hại này đã được tìm thấy trong vườn của tư dinh Tổng lãnh sự Saudi Arabia. 

Tuy nhiên, ngay trong ngày 23-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng phủ nhận tin đồn về việc tìm thấy thi thể của nhà báo Khashoggi. Erdogan cho biết, vẫn chưa tìm thấy thi thể nhà báo này, đồng thời yêu cầu giới chức Saudi Arabia tiết lộ địa điểm.

Cho dù chưa có thông tin chính thức về việc tìm thấy thi thể nhà báo Khashoggi, song việc nhà báo thường chỉ trích chính quyền Saudi Arabia này bị sát hại đã được khẳng định sau khi ông vào Tổng lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul ngày 2-10 để làm thủ tục liên quan tới việc kết hôn với bạn gái người Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi không thể chối bỏ, giới chức Saudi Arabia đã phải thừa nhận nhà báo Khashoggi đã chết, nhưng nói nhà báo này “tử vong trong một cuộc ẩu đả”.

Thế nhưng, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã có những bằng chứng tin cậy cho thấy nhà báo Khashoggi bị sát hại dã man trong một âm mưu đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Tổng thống Erdogan cho biết, một nhóm 15 đặc vụ Saudi Arabia đã tới tòa lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul một ngày trước khi nhà báo Khashoggi bị sát hại. Nhóm này đã tháo gỡ các camera an ninh và 3 người trong nhóm này đã tới thăm dò cung đường và cánh rừng cách Istanbul khoảng 90km.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23-10 khẳng định, vụ giết hại nhà báo Khashoggi là  “một trong những vụ che đậy tội ác tồi tệ nhất trong lịch sử”. Ông Donald Trump cũng đã phái Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel tới Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp điều tra. 

Từ những chứng cứ thu thập được, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ra những đòn trừng phạt đầu tiên đối với Saudi Arabia, bất chấp việc Riyadh là đồng minh thân cận và lâu đời bậc nhất của Washington khu vực Trung Đông cũng như trong thế giới Hồi giáo nói chung. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23-10 cho biết, sẽ hủy thị thực của khoảng 20 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ việc nhà báo Khashoggi bị giết hại.

Trước cơn thịnh nộ của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác, chính quyền Saudi Arabia đã phải có động thái nhằm hạ nhiệt và “khắc phục hậu quả”. Bên cạnh cam kết tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và toàn diện để tìm ra sự thật đằng sau cái chết của nhà báo Khashoggi, Saudi Arabia đã bắt giữ 18 công dân liên quan tới cái chết đã biến thành cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ giữa nước này với thế giới, trong đó có những quan chức ngành tình báo.

Tuy nhiên, những gì mà Riyadh đã làm dường như chưa đủ khi Thổ Nhĩ Kỳ đòi phải dẫn độ 18 nghi phạm người Saudi Arabia tới Istanbul để xét xử và sẽ bắt giữ tất cả những ai dính líu, kể cả có quyền miễn trừ ngoại giao; trong khi Mỹ tuyên bố có thể còn áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa.