Tổng tư lệnh bất đắc dĩ

ANTĐ - Tướng P. Breedlove, cựu Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, đã chính thức trở thành Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang NATO ở châu Âu với trọng trách nặng nề, xác định rõ xứ mệnh của tổ chức quân sự này trong tương lai.

Lễ nhậm chức của tướng P. Breedlove đã diễn ra ngày 13-5 tại trụ sở các Lực lượng vũ trang NATO đặt ở thành phố Mons của Bỉ. Xét theo bảng thành tích, tướng P. Breedlove, 57 tuổi, được ca ngợi là người có nhiều kinh nghiệm với hơn 3 thập kỷ nắm giữ nhiều cương vị quan trọng của quân đội Mỹ từ châu Âu tới Đông Bắc Á.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Atlanta, tân cử nhân 22 tuổi P. Breedlove tình nguyện gia nhập quân đội, rồi được cử đi học khóa đào tạo phi công quân sự. Với hơn 3.500 giờ bay trên đủ các loại máy bay, từ F-16 đến T-37, C-21, trực tiếp tham gia sứ mệnh chiến đấu trên bầu trời Bosnia trong cuộc chiến do Mỹ và NATO phát động chống Nam Tư, ông P. Breedlove trưởng thành dần và trở thành Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu. 

Với kinh nghiệm và uy tín như vậy, việc tướng P. Breedlove được cử giữ chức vụ cao nhất của NATO tại địa bàn quen thuộc - châu Âu được Lầu Năm góc cho là hợp lý. Tuy nhiên, liệu ông P. Breedlove có thỏa mãn được dự định mà Mỹ đặt ra thì lại là chuyện khác. Trước hết, ông P. Breedlove chỉ là phương án bất đắc dĩ sau khi Đại tướng Thủy quân lục chiến J. Allen, Chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan, không được Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào chức danh Tổng tư lệnh NATO vì có dính líu tới vụ bê bối tình ái của Giám đốc CIA D. Petraeus.

Thêm vào đó, theo tính toán của Mỹ, trật tự thế giới đang có những thay đổi bất lợi cho nước này. Quan hệ của Mỹ với các đồng minh tại châu Âu đang gặp những khó khăn, nhất là khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương. Sự chống đối của Nga đối với chiến lược mở rộng NATO về phía đông cũng tạo thêm những rắc rối. Trong bối cảnh đó, Nhà Trắng và Lầu Năm góc đặt mục tiêu phải thực hiện đường lối cứng rắn tại châu Âu, củng cố sứ mệnh của NATO trong chiến lược duy trì trật tự an ninh trong khu vực và đẩy nhanh tiến độ mở rộng biên giới NATO sang phía Đông.

Tuy nhiên, việc giải quyết mâu thuẫn với châu Âu có phần chậm trễ do cuộc khủng hoảng tài chính. Không thành viên NATO nào ở châu Âu muốn tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 4% GDP như Mỹ, khiến cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Gates từng phát biểu khá “nặng lời” rằng châu Âu có nguy cơ “trở thành một đối tác thừa trong một liên minh an ninh tập thể”.

Quan hệ Nga - Mỹ mặc dù đã có những chuyển biến kể từ khi ký “Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược” (START) nhưng nay lại “nổi sóng” do việc Mỹ dự định triển khai lá chắn tên lửa châu Âu. Mỹ đã chỉ đạo NATO triển khai một loạt hệ thống tên lửa tại châu Âu, trong đó có 6 bệ phóng tên lửa đánh chặn Patriot. Trước thái độ “trịch thượng” của Mỹ, Nga đã phản ứng mạnh mẽ và tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong tình hình an ninh Nga bị đe dọa (hiện Nga đang sở hữu gần 1500 đầu đạn hạt nhân).

 Với những thách thức như vậy, không hiểu vị tân Tổng tư lệnh bất đắc dĩ có đủ sức chèo lái khối quân sự NATO trong thời điểm đầy khó khăn này?