Tổng thống Trump không vi phạm hiến pháp Mỹ khi ra lệnh tấn công Syria

ANTD.VN - Nhiều nhà lập pháp Mỹ cáo buộc Tổng thống Trump vi phạm hiến pháp vì không xin phép quốc hội trước khi ra lệnh tấn công trực diện vào căn cứ của quân đội Syria tối ngày 6-4, tuy nhiên, thực tế từ những trường hợp tương tự trước đó đã chỉ ra rằng, ông hoàn toàn có quyền làm việc này.

Vào năm 2011, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama không hề xin phép quốc hội để không kích nhằm lật đổ Tổng thống Libya Mummar Gaddafi. Đến cuối năm 2016, ông Obama cũng tự ý ra lệnh phóng tên lửa phá hủy các radar của phiến quân Houthi tại Yemen để phản ứng với việc lực lượng này tấn công tàu chiến Mỹ.

“Luật tuyên chiến quy định rất rõ trong hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, nó lại không được tuân theo kể từ thời Thế chiến II”, cựu Đại úy hải quân Mỹ và chuyên gia về luật hàng hải, ông Lawrence Brennan cho biết.

Hành động tấn công Syria của ông Trump vẫn nằm trong thẩm quyền của tổng thống Mỹ

Nghị quyết về Quyền Chiến tranh (War Powers Resolution) được Mỹ thông qua vào năm 1973, trong đó, bắt buộc tổng thống xin ý kiến quốc hội trước khi triển khai quân đội ra chiến trường hơn 60 ngày. Tuy nhiên, nó vẫn cho tổng thống một vài đặc quyền để phản ứng với những vụ việc khẩn cấp, được hiểu là ảnh hưởng đến an ninh và quyền lợi quốc gia.

Nói về vụ tấn công bằng tên lửa mới diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định đây không phải là nỗ lực đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ tại Syria mà là hành động cá biệt để phản ứng với vụ tấn công hóa học của chính phủ Damascus.

Theo ông Brennan, như vậy, theo luật pháp thì quốc hội Mỹ không thể ngăn cản được Tổng thống Trump tiến hành phóng tên lửa vào mục tiêu của quân đội Syria, tuy nhiên, xét cho cùng, các nhà lập pháp Mỹ vẫn có cách thay đổi quyết định can thiệp quân sự hạn chế của tổng thống bằng cách cắt ngân sách dành cho chính phủ.