Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ "sóng gió" với mạng xã hội Twitter

ANTĐ - Tờ DW (Đức) số ra đầu tuần qua đưa tin, Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phạt mạng xã hội Twitter 150.000 lira (khoảng 50.000 USD) vì đã “ca ngợi chủ nghĩa khủng bố”. Đây được coi là hình phạt chưa từng có trong lịch sử nước này. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ "sóng gió" với mạng xã hội Twitter ảnh 1Tổng thống Erdogan 

Theo hãng tin quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Anatolia thì cơ quan quản lý Thông tin, Truyền thông và Công nghệ quốc gia (BTK) đã đưa ra hình phạt sau khi phát hiện Twitter cho đăng tải nhiều nội dung “ca ngợi chủ nghĩa khủng bố, khiêu khích lực lượng an ninh và kích động hận thù, bạo lực, bất chấp sự nhắc nhở nhiều lần của cơ quan chức năng”. Chi tiết về bản chất và nội dung vi phạm không được đề cập trên các phương tiện truyền thông.

Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ khó chịu về sự hiện diện của các phương tiện truyền thông, gây bất lợi cho hoạt động của Chính phủ hiện tại thông qua những bài viết trên mạng xã hội lớn như Twitter hay Facebook. Các nhà chức trách đã nhiều lần áp đặt lệnh cấm hoạt động có thời hạn với Twitter và một số phương tiện truyền thông xã hội khác trên lãnh thổ nước này. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có một mối quan hệ được đánh giá là “đầy sóng gió” với Twitter. Ông từng so sánh phương tiện truyền thông xã hội như “con dao trong tay kẻ giết người” và thẳng thắn nói rằng, “tôi không thích tweet”. Tuy nhiên, vào tháng 2-2015, ông Recep Tayyip Erdogan bắt đầu sử dụng Twitter với tài khoản cá nhân RT_Erdogan. 

Vào tháng 3-2014, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chặn truy cập vào Twitter và YouTube vì những phương tiện truyền thông này đã đưa ra cáo buộc nhiều quan chức trong Chính phủ tham nhũng. Tuy nhiên, lệnh cấm đã bị Tòa án Hiến pháp gỡ bỏ. Vào tháng 4 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa tiến hành chặn truy cập vào Twitter, Facebook và YouTube vì cáo buộc đã cho đăng tải hình ảnh một công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ bị giết bởi phiến quân cánh tả trong một vụ giải cứu con tin bất thành.

Theo thống kê hiển thị trực tuyến của Twitter, trong 6 tháng đầu năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia yêu cầu gỡ bỏ các nội dung trên mạng xã hội cao nhất thế giới với 408 yêu cầu từ các tòa án, 310 yêu cầu của các cơ quan thuộc Chính phủ. Hơn 70% trong tổng số yêu cầu gỡ bỏ thông tin trên Twitter có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều người nhận định rằng, việc Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành phạt tiền mạng xã hội Twitter giống như một sự mỉa mai vì trước đó không lâu, trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Erdogan đã ca ngợi người sáng lập Facebook-Mark Zuckerberg như một biểu tượng cho tình đoàn kết với người Hồi giáo. Những lời nhận xét của Tổng thống Erdogan được đưa ra sau khi ứng viên Tổng thống Mỹ 2016, ông Donald Trump đề xuất lệnh cấm người Hồi giáo đến Mỹ.