Tổng thống Syria Assad bị buộc tội trong vụ tấn công hóa học ở Idlib

ANTD.VN - Ngày 5-4, nhiều nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp đồng loạt lên tiếng đổ trách nhiệm cho chính phủ Syria trong vụ ném bom hóa học xuống thị trấn Khan Sheikhoun, Idlib làm 72 người chết và hơn 200 người bị thương.

Theo Tổ chức giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có quan điểm thân phương Tây, một cuộc không kích bằng bom chứa khí độc đã xảy ra vào ngày 4-4, tại khu vực thị trấn Khan Sheikhoun do quân nổi dậy kiểm soát ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. 

Hiện số nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công đã lên tới con số 72 người, trong đó có 20 trẻ em. Bên cạnh đó, hơn 200 người đang phải điều trị do gặp các vấn đề về hô hấp hay các triệu chứng như ngất xỉu, nôn mửa và sùi bọt ở miệng. 

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Recep Akdag khẳng định nước này đã nắm trong tay những bằng chứng chỉ ra rằng vụ không kích trên là một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Tổng thống Syria Assad bị buộc tội trong vụ tấn công hóa học ở Idlib ảnh 1

Những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học luôn bị Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ

Mặc dù lúc này chưa thể xác định phía nào đã tiến hành vụ không kích, song hàng loạt nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp và cả Israel đều nhanh chóng lên tiếng cáo buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau vụ việc. 

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer đã lên tiếng cáo buộc các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại tỉnh Idlib là do Damascus tiến hành. Bên cạnh đó, Nhà Trắng còn chỉ trích sự yếu kém của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng ông Assad sẽ phải chịu trách nhiệm vì thực hiện "tội ác chiến tranh" vừa qua ở Idlib. Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande lên án người đứng đầu chính quyền Damascus vì đã có "hành động tàn sát" như vậy. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì cho rằng thế giới cần phải có những hành động thiết thực hơn nữa để loại bỏ vũ khí hóa học khỏi Syria.

Cũng trong ngày 4-4, 3 nước Mỹ, Anh, Pháp đã trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) dự thảo nghị quyết lên án vụ tấn công. Dự thảo nghị quyết của 3 quốc gia này yêu cầu LHQ và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) thành lập một tổ điều tra chung để xác định bên nào phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công hóa học ở Syria và nhóm này phải làm việc ngay lập tức để xác định thủ phạm.

Còn tại Syria, Liên quân đối lập quốc gia và lực lượng cách mạng Syria (NKORS) cũng cáo buộc Không quân Syria tiến hành cuộc tấn công vũ khí hoá học tại Idlib. 

Những động thái này được lý giải là do chính quyền Assad đã từng sở hữu vũ khí hoá học trong quá khứ.

Mặc dù trên lý thuyết, kho vũ khí này đã bị tước bỏ khi Syria chính thức tham gia Công ước vũ khí hóa học và cam kết tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học với Mỹ vào năm 2013. Song sau đó, chính quyền Assad vẫn thường xuyên bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ tấn công tại Syria. Trước đó, Liên Hợp Quốc cũng từng khẳng định quân chính phủ Syria là thủ phạm gây ra ít nhất 3 vụ tấn công bằng khí độc clo vào các năm 2014 và 2015.