Tổng thống Robert Mugabe gặp tướng lĩnh quân đội bàn cách thức chuyển giao quyền lực

ANTD.VN -Ngày 16/11, Hãng tin Reuters cho biết, Tổng thống Robert Mugabe đã bắt tay với lãnh đạo quân đội của Zimbabwe một ngày sau khi quân đội giành được quyền kiểm soát đất nước, khiến nhiều người lo ngại về dự đoán rằng quyền lực gần như bốn thập niên của ông này đã chấm dứt.

Cuộc gặp có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Zimbabwe Sydney Sekeramayi và Bộ trưởng An ninh quốc gia Kembo Mohadi, cùng 2 đặc phái viên do Nam Phi cử đến để tìm cách hóa giải căng thẳng.

Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh diễn biến tình hình tại Zimbabwe cho thấy quân đội dường như đã kiểm soát chính phủ một ngày trước đó. Các nguồn tin cho rằng ông Mugabe, 93 tuổi, cùng vợ là bà Grace Mugabe bị quân đội quản thúc sau khi ông sa thải Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người được quân đội ủng hộ. 

Cuộc gặp giữa Tổng thống Robert Mugabe và tướng lĩnh quân đội có sự tham gia của 2 đặc phái viên do Nam Phi cử đến

Mugabe nhấn mạnh rằng ông vẫn là người cai trị hợp pháp duy nhất của Zimbabwe và đang từ chối bỏ cuộc, nhưng áp lực của quân đội làm ông phải chấp nhận một lối ra tránh đổ máu cho cuộc khủng hoảng.

Quân đội muốn ông Mugabe, người đã cai trị Zimbabwe từ khi độc lập vào năm 1980, ra đi lặng lẽ và chuyển giao quyền lực, không đổ máu cho Emmerson Mnangagwa, người bị Tổng thống Mugabe buộc phải từ nhiệm vào tuần trước. Ông Emmerson Mnangagwa đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị.

Mục tiêu chính của các tướng lĩnh quân đội là ngăn cản Mugabe trao quyền cho vợ ông Grace, 52 tuổi. Bà này đã xây dựng một trong các nhóm thanh niên bên đảng cầm quyền và xuất hiện trên đỉnh cao quyền lực sau khi Mnangagwa bị đẩy ra.

Cuộc gặp có sự hiện diện của Tư lệnh quân đội Zimbabwe, Tướng Constantino Chiwenga

Phản ứng về những động thái trên tại Zimbabwe, Tổng thư ký Liên hợp quốc  Antonio Guterres (TTK LHQ) ngày 16/11 kêu gọi các bên tình tĩnh để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị này. 

Người phát ngôn của TTK LHQ cho biết, ông Guterres rất lo ngại về diễn biến tình hình tại Zimbabwe, đồng thời nhấn mạnh cần giải quyết các bất đồng chính trị thông qua các biện pháp hòa bình, đối thoại và hợp hiến. 

TTK LHQ cũng hoan nghênh các nỗ lực của Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình. TTK vẫn duy trì liên hệ với Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) và các lãnh đạo khu vực nhằm ủng hộ các nỗ lực này, đồng thời nhấn mạnh cam kết của LHQ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực quốc gia của Zimbabwe nhằm củng cố sự điều hành dân chủ.

Cùng ngày, ủy viên cấp cao của Hội đồng Hòa bình và an ninh của AU, ông Smail Chergui cho biết, AU ủng hộ và tin tưởng vào nỗ lực hòa giải của các nước SADC trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe. 

Phát biểu với báo giới tại Washington sau một cuộc hội đàm tại Bộ Ngoại giao Mỹ về tăng cường hợp tác giữa AU và Mỹ, ông Chergui cho biết AU hy vọng việc diễn biến tại Zimbabwe không phải là một cuộc đảo chính của quân đội. Ông Chergui khẳng định rằng, Quốc hội Zimbabwe vẫn đang hoạt động nên chính phủ vẫn hoạt động. 

Quân đội vẫn triển khai tại thủ đô Harare

Ông cũng nhận định "không có dấu hiệu bạo lực dưới bất cứ hình thức nào tại Zimbabwe". Tuy nhiên, quan chức trên cho biết, AU sẽ vẫn "cảnh giác", đồng thời hy vọng SADC sẽ hóa giải thành công căng thẳng tại Zimbabwe và thúc đẩy một giải pháp hòa bình. Về phần mình, Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi, Don Yamamoto cho biết, Mỹ hoàn toàn đồng quan điểm với AU về tình hình Zimbabwe.

Tuy nhiên trước đó, Chủ tịch AU -Tổng thống Guinea Alpha Conde cảnh báo rằng các hoạt động của quân đội Zimbabwe trong những ngày vừa qua "mang dấu hiệu của một cuộc đảo chính", và nếu điều này là đúng thì Zimbabwe sẽ bị đình chỉ tư cách thành viên AU.