Tổng thống Obama gặp khó

ANTĐ - Lịch sử bầu cử Mỹ đã lặp lại đúng như cách đây 10 năm- Đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và giành trọn quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Kết quả này báo hiệu nhiều sóng gió trong hai năm cầm quyền còn lại của Tổng thống Barack Obama, cả trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. 
Tổng thống Obama gặp khó ảnh 1

Cử tri đã mệt mỏi

Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ năm 2014 dường như theo quy luật từ trước đến nay: Đảng của Tổng thống đương nhiệm thường thất bại trong các cuộc bầu cử diễn ra trong nhiệm kỳ thứ hai. Kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan, Tổng thống Mỹ nào cũng phải rời nhiệm sở trong bối cảnh đảng đối lập kiểm soát quốc hội, như ông Bill Clinton hay George W. Bush và nay là ông Obama.

Đảng Cộng hòa đã giành được quyền kiểm soát ở Thượng viện từ tay Đảng Dân chủ và giành thế áp đảo ở Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, khiến quyền lực gia tăng để có quyền làm khó, thậm chí cản trở hoàn toàn chương trình nghị sự của ông Obama trong 2 năm cuối ở Nhà Trắng. Ngoài các vấn đề đối nội, các chuyên gia cho rằng việc phe Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện Quốc hội cũng sẽ thu hẹp không gian hoạt động của Tổng thống Obama trong các vấn đề đối ngoại. 

Thực tế, chính trường Mỹ trong 6 năm qua luôn lâm vào tình trạng bế tắc tới mức hầu hết các vấn đề đối nội cấp bách từ chi tiêu ngân sách, cải cách luật nhập cư đến kiểm soát súng đạn, cải cách hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe… đều không tìm ra được lối thoát. Kết quả thăm dò chung của CNN/ORC International cho biết trong hơn 1.200 cử tri được hỏi ý kiến có tới 83% nói rằng họ không ủng hộ cách thức làm việc của lưỡng viện, trong đó 65% cho rằng hiệu quả hoạt động hiện nay là “tệ hại nhất trong lịch sử”, trong khi chỉ có 14% ngả theo hướng ủng hộ.

Thời điểm này đang thực sự bất lợi cho Đảng Dân chủ và Tổng thống Obama. Uy tín của Tổng thống Obama giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Sau nhiều năm phục hồi kinh tế chậm chạp và hàng loạt cuộc khủng hoảng ở nước ngoài, tâm trạng của cử tri đã mệt mỏi. Gần 2/3 số cử tri được hỏi sau bỏ phiếu nói rằng nước Mỹ đang đi sai đường nghiêm trọng. Chỉ có 30% nói rằng nói chung Mỹ đang đi đúng đường- theo thăm dò ý kiến của AP và các kênh truyền hình thực hiện. Tờ “Washington Post” cho rằng Chính quyền Obama như thể đang rơi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác. Thượng nghị sỹ Mitch McConnell - người dự kiến sẽ trở thành thủ lĩnh phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện vào tháng 1-2015 khi Quốc hội mới tuyên thế nhậm chức - nói rằng, kết quả này là “sự phản đối Chính phủ mà người dân không còn tin tưởng”. 

Thử thách khả năng thỏa hiệp của ông Obama

Theo tạp chí Foreign Policy, thường thì các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm nay còn được đánh giá như một cuộc bỏ phiếu “chấm điểm” cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama. Hiện Washington đang phải đối mặt với một loạt vấn đề đối ngoại. Bầu không khí Chiến tranh Lạnh dường như đang trở lại với châu Âu, trong khi ở Trung Đông, nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang gây loạn. Nạn dịch Ebola ở châu Phi đang trở thành nguy cơ không chỉ đe dọa nước Mỹ mà còn là mối lo toàn cầu; một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran vẫn còn xa vời, trong khi tiến trình hòa đàm Israel-Palestine tiếp tục rơi vào bế tắc... và cả những bất đồng liên quan tới các chính sách ngoại giao do Tổng thống Barack Obama đang điều hành. 

 Khi phe Cộng hòa nắm quyền lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội, tất cả những vấn đề trên xem ra ít nhiều cũng đều sẽ bị tác động lớn. Theo thể chế liên bang, Quốc hội ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động và quyết sách trong Chính phủ Mỹ. Quốc hội là một đối trọng lớn với Nhà Trắng bởi Quốc hội được quyền cho phép bỏ phiếu chống thông qua các đề xuất của Tổng thống. Quyền lực của Đảng Cộng hòa ở Thượng viện cũng sẽ buộc ông Obama phải giảm bớt tham vọng thực hiện một số quyền hành pháp mà không cần Quốc hội cho phép, để thúc đẩy những kế hoạch có thể được cả hai đảng ủng hộ, như các thỏa thuận thương mại, cải cách thuế… Phe Cộng hòa cũng sẽ tấn công mạnh mẽ trong các vấn đề thâm hụt nhân sách, giảm bớt các quy định liên bang, buộc Dân chủ chấp nhận các thay đổi lớn trong luật bảo hiểm y tế vốn được xem là thành tựu đối nội của Tổng thống Obama. 

Thực tế này cũng sẽ thử khả năng thỏa hiệp của ông Obama với các đối thủ chính trị mới được trao thêm quyền lực, những người luôn phản đối chương trình nghị sự ngay từ nhiệm kỳ đầu của ông Obama. Để cho thấy sự sẵn lòng hợp tác với các nghị sĩ Cộng hòa, ông Obama đã mời các lãnh đạo của cả hai đảng ở Thượng viện và Hạ viện nhóm họp tại Nhà Trắng vào ngày 7-11 tới. Thế nhưng chưa gặp mà đã thấy mâu thuẫn khá sâu sắc khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Obama, một điểm dễ bùng nổ tranh cãi và mâu thuẫn là cam kết của ông Obama đến cuối năm nay sẽ đơn phương thay đổi chính sách nhập cư để cho phép hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp có cơ hội được ở lại và có thể trở thành công dân Mỹ. Ông McConnell bày tỏ hy vọng Tổng thống Obama sẽ không thực thi cam kết này, đồng thời cho biết Đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ tìm cách hủy bỏ chương trình bảo hiểm y tế của Tổng thống Obama, thường gọi là ObamaCare. Đa số ý kiến của các nhà phân tích cho rằng mọi chuyện vẫn xấu như trong các năm qua, thậm chí còn tệ hại hơn. Đảng Cộng hòa ở vị thế thuận lợi hơn để thúc đẩy các chương trình nghị sự của họ, ép Tổng thống Obama phải nhượng bộ.

Thắng lợi này còn được coi là tạo động lực cho Đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống lần thứ 45 của nước Mỹ vào năm 2016 tới, vốn là trọng tâm của chính trường Mỹ trong hai năm tới. Nhưng theo các chuyên gia trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2016 thì Đảng Cộng hòa vẫn sẽ thua. Vì tới nay đảng này vẫn chưa tìm ra đồng thuận về người của đảng ra tranh cử, trong lúc bên phía Đảng Dân chủ thì mọi chuyện đã an bài. Ứng cử viên của đảng này sẽ là bà Hillary Clinton. Cần biết rằng cử tri Mỹ lại có khuynh hướng bỏ phiếu cho một biểu tượng. Sau khi đã đưa người Mỹ da đen đầu tiên vào Nhà Trắng, trong nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới, một phụ nữ ngồi vào chiếc ghế tổng thống để điều hành đất nước lại sẽ là một biểu tượng nữa của Mỹ.