Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ gì về việc được đề cử giải Nobel hòa bình?

ANTD.VN - Vài tuần gần đây, một loạt động thái từ phía Mỹ nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên khiến càng có nhiều người nói về khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được đề cử giải Nobel hòa bình năm 2019. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ gì về việc được đề cử giải Nobel hòa bình? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Giải thưởng tôi muốn là chiến thắng cho cả thế giới”

“Mọi người đều nghĩ như vậy, nhưng tôi thì chưa bao giờ nói vậy” - ông Donald Trump cười và trả lời hôm 9-5 khi được đặt câu hỏi liệu ông có xứng đáng nhận giải thưởng này không - “Giải thưởng tôi muốn là chiến thắng cho cả thế giới”. 

Những đột phá không thể phủ nhận

Trong một thông báo đăng trên trang Twitter cá nhân ngày 10-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ có cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12-6 tới. Trong thông báo của mình, Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định, cả ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ cố gắng để cuộc gặp này trở thành một thời điểm đặc biệt đối với hòa bình thế giới. Phát biểu trong buổi đón 3 công dân Mỹ được Triều Tiên trả tự do trước đó, Tổng thống Donald Trump cũng bày tỏ hy vọng, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp tới sẽ đạt được đột phá. Theo đó, việc hoàn thành mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ là “thành tựu đáng tự hào nhất” của ông Donald Trump. 

Đánh giá cao những đóng góp của Tổng thống Donald Trump ngay đầu nhiệm kỳ, nhóm 18 Nghị sĩ Đảng Cộng hòa của Mỹ đã chính thức đệ trình đơn đề cử ông Donald Trump xét tặng giải Nobel Hòa bình 2019 - một trong những giải thưởng về ngoại giao uy tín nhất thế giới. Tuy nhiên, đây có thể là chủ đề gây tranh cãi bởi nhiều người chỉ trích Tổng thống Donald Trump trong những chính sách khác, những phát ngôn mang tính miệt thị khác. 

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Oslo, Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy từ chối bình luận về đề cử của ông Donald Trump, bởi theo quy định, các thành viên của Ủy ban bị cấm bàn về những đề cử hoặc quá trình bầu chọn ít nhất là trong vòng 50 năm sau khi công bố giải. 

Tiếng nói của người trong cuộc 

“Trong trường hợp của tôi, giải Nobel hòa bình đến như một món quà”, Tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia nói về giải thưởng đã tạo động lực đáng kể để thúc đẩy hòa bình tại đất nước ông. Colombia đã không đạt được thỏa thuận hòa bình với một nhóm phiến quân cánh tả vào năm 2016, chỉ 5 ngày trước khi ông Juan Manuel    Santos được công bố là người chiến thắng. “Khi giải Nobel đã được trao, mọi người đều khuyến khích và ủng hộ để chúng tôi đàm phán lại. Vì thế, đó là thời điểm rất thuận lợi”. 

Với ông José Ramos-Horta, cựu Tổng thống Timor Leste, người nhận được giải thưởng trong năm 1996, đề cử cho cuộc đàm phán hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay lại là một bài toán khó. Bất kỳ sáng kiến hòa bình nào giữa các nước cũng đều xuất phát từ 2 phía, thậm chí là nhiều phía. Nếu công nhận công trạng của một bên nào đó thì khó đạt được sự công bằng. Ví như Tổng thống Mỹ hay Tổng thống Hàn Quốc sẽ khó thành công trong vấn đề hòa giải và hòa bình với Triều Tiên nếu không có sự hợp tác của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, một nhân vật được cho là có đường lối cứng rắn nhưng gần đây đã cởi mở, sẵn lòng hợp tác hơn trong quan hệ ngoại giao.

Không dẫn ra trường hợp cụ thể nào nhưng bà Berit Reiss-Andersen cũng thừa nhận là có những giải thưởng trước đây được trao cho những nhân vật gây tranh cãi, cũng có người sau khi được trao lại gây thất vọng bởi không đáp ứng kỳ vọng về việc đẩy mạnh hòa bình như Ủy ban này hướng tới.

“Chúng tôi hy vọng giải thưởng có thể khuyến khích sự phát triển hòa bình. Bản thân giải Nobel không thể đảm bảo một sự phát triển hòa bình mà nó phụ thuộc vào những người có liên quan”, bà Reiss-Andersen cho biết và nhấn mạnh - “Tôi tin rằng giải Nobel hòa bình có uy thế rất mạnh mẽ, bởi vì một khi được trao giải Nobel hòa bình, bạn sẽ luôn bị đặt dưới sự giám sát của cộng đồng và phải trả lời cho công chúng bằng những hành động của mình”.