Tổng thống 82 tuổi của Algeria từ bỏ việc tái ứng cử

ANTD.VN - Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika, người đã cầm quyền hơn 20 năm tại quốc gia châu Phi này vừa công bố từ bỏ theo đuổi nhiệm kỳ thứ năm. Thông tin đã khiến nhiều người dân thay vì chuẩn bị đi biểu tình vội đổ ra phố ăn mừng, vẫy cờ, reo hò, hát quốc ca vì họ thấy những tia hy vọng mới vào những đổi thay thực sự của đất nước.

 Tổng thống 82 tuổi của Algeria từ bỏ việc tái ứng cử ảnh 1Hình ảnh phát trên truyền hình cho thấy Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika tiếp Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ahmed Gaid Salah hôm 11-3

Trong một lá thư gửi toàn thể dân chúng được Hãng thông tấn nhà nước APS phát đi hôm 11-3, ông Bouteflika, 82 tuổi, nhấn mạnh về tầm quan trọng của giới trẻ Algeria trong tiến trình cải cách và đưa đất nước “vào tay những thế hệ mới”. Nhưng đối với nhiều người biểu tình, bao gồm sinh viên, luật sư và thậm chí là thẩm phán, câu quan trọng nhất trong lá thư của Tổng thống là “Sẽ không có nhiệm kỳ thứ năm”.

Động thái mới thúc đẩy cải cách 

Tổng thống Abdelaziz Bouteflika hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông bị đột quỵ năm 2013. Vừa về nước sau 2 tuần điều trị bệnh tại Geneva, Thụy Sỹ, ông hứa sẽ thành lập một hội đồng để lên kế hoạch bầu cử lại, trong khi cuộc bầu cử ngày 18-4 sẽ không được tổ chức. Trong bức thư hôm 11-3, ông Bouteflika cho biết, “hội đồng quốc gia” mà ông giao nhiệm vụ lên kế hoạch bỏ phiếu cũng sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới để thúc đẩy cải cách cho Algeria. Theo APS, ông Noureddine Bedoui, một người trung thành với Tổng thống Bouteflika, hiện giữ chức Bộ trưởng Nội vụ đã được chỉ định làm Thủ tướng và chịu trách nhiệm thành lập chính phủ lâm thời.

Trong một lá thư gửi toàn thể dân chúng được Hãng thông tấn nhà nước APS phát đi hôm 11-3, ông Bouteflika, 82 tuổi, nhấn mạnh về tầm quan trọng của giới trẻ Algeria trong tiến trình cải cách và đưa đất nước “vào tay những thế hệ mới”. Nhưng đối với nhiều người biểu tình, bao gồm sinh viên, luật sư và thậm chí là thẩm phán, câu quan trọng nhất trong lá thư của Tổng thống là “Sẽ không có nhiệm kỳ thứ năm”.

Bên cạnh những người ăn mừng, một số người thận trọng hơn, cho rằng việc nhà lãnh đạo lâu năm cam kết bước sang một bên chỉ là bước đầu tiên, bởi ông Bouteflika chưa đưa ra thời gian cho cuộc bầu cử vốn đã bị trì hoãn. Bên cạnh đó, các động thái mới có thể mở đường cho Tổng thống tự ý sắp đặt người kế nhiệm mình. 

Cũng đầu tuần này, truyền hình nhà nước Algeria đã phát sóng những hình ảnh đầu tiên về ông Bouteflika kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu. Hình ảnh cho thấy, ông Bouteflika, người phải dùng xe lăn kể từ khi bị đột quỵ, khi tiếp khách có vẻ yếu đuối và cử chỉ đều chậm chạp. Một số vị khách tới thăm ông từng xác nhận rằng Tổng thống gặp khó trong phát âm. Nhưng những hình ảnh đó không thể trấn an được dân chúng. “Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ làm dịu cả đất nước. Thậm chí, sẽ có nhiều cuộc biểu tình trên đường phố hơn vào cuối tuần”, ông Saadi nhắc đến các cuộc biểu tình thường diễn ra sau buổi cầu nguyện thứ sáu hàng tuần.  

Tương lai chưa rõ ràng

Các cuộc biểu tình, phản đối Tổng thống gia tăng gần đây. Người dân cũng bày tỏ sự tức giận đối với nạn tham nhũng khiến đất nước vốn giàu tài nguyên dầu khí chỉ phục vụ lợi ích cho một số người trong khi hàng triệu thanh niên phải đấu tranh để tìm việc làm. Phong trào biểu tình lan rộng, thu hút cả triệu người đổ ra đường phố trên khắp cả nước, yêu cầu Tổng thống Bouteflika từ bỏ việc tái ứng cử. An ninh ở Thủ đô Algiers đang được đặt ở tình trạng báo động cao, khi một số doanh nghiệp bị đóng cửa vì đình công.

“Đây là nhiệm kỳ nới rộng do các lực lượng vi hiến quyết định, một nhiệm kỳ bất hợp pháp. Nó chỉ làm cho tình thế tồi tệ hơn”, ông Ali Benflis, nhân vật đối lập hàng đầu và là một trong những cựu Thủ tướng của ông Bouteflika, nói với đài truyền hình France 24. Ông Benflis từng là một ứng cử viên trong cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào ngày 18-4 nhưng đã rút lại để phản đối sự hiện diện của ông Bouteflika với tư cách ứng cử viên.

Không thể phủ nhận những đóng góp của ông Bouteflika trong những bước phát triển lớn của Nhà nước Hồi giáo Algeria suốt nửa thế kỷ qua. Ông là người đã đấu tranh cho nền độc lập của Algeria trước thực dân Pháp. Trở thành Tổng thống năm 1999, ông đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong một quốc gia vốn bị chia rẽ nặng nề bởi các cuộc nổi dậy, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu hiện nay ông có thực sự điều hành đất nước hay không.

Con đường phía trước của đất nước Bắc Phi giàu tài nguyên dầu mỏ và rộng gấp 4 lần so với nước Pháp vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, điều gần như chắc chắn là các cuộc biểu tình chống chính phủ từ khu vực bờ biển phía Bắc đến sa mạc phía Nam sẽ vẫn tiếp tục. Trước làn sóng này, người ta chưa biết liệu Chính phủ cầm quyền có thể tồn tại được bao lâu hay quân đội sẽ can thiệp để giữ nguyên hiện trạng, như đã từng làm trong quá khứ.