Toan tính quân sự hóa của Trung Quốc từ việc đặt cáp ngầm ở Biển Đông

ANTD.VN - Trung Quốc lại leo lên nấc thang mới trong kế hoạch quân sự hóa Biển Đông khi tiến hành đặt cáp ngầm tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị nước này chiếm đóng trái phép, hòng thực hiện bằng được tham vọng khống chế, độc chiếm vùng biển chiến lược này.

Toan tính quân sự hóa của Trung Quốc từ việc đặt cáp ngầm ở Biển Đông ảnh 1Trung Quốc đã xây dựng đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành căn cứ quân sự lớn nhất ở Biển Đông

Kiểm soát và khống chế lòng Biển Đông

Theo hãng tin Mỹ BenarNews ngày 8-6, những hình ảnh và dữ liệu vệ tinh của hãng Planet Labs (Mỹ) cho thấy một chiếc tàu của Trung Quốc tiến hành đặt cáp ngầm tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Giới chuyên gia cho rằng, cáp ngầm mà Trung Quốc lắp đặt có thể được dùng vào mục đích quân sự, giúp Bắc Kinh kiểm soát đáy biển, tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm.

Từ dữ liệu theo dõi tàu thuyền, giới chuyên gia xác định chiếc tàu hạ đặt cáp ngầm mang tên Tian Yi Hai Gong treo cờ Trung Quốc rời cảng Thượng Hải vào ngày 18-5 và xuất hiện tại quần đảo Hoàng Sa từ 28-5 tới nay. Con tàu đã tiến hành hoạt động tại khu vực biển quanh đảo Cây (Tree Island), đảo Bắc (North Island), đảo Duy Mộng, đảo Ba Ba (Yagong), bãi Xà Cừ  (Observation Bank) và đảo Phú Lâm. 

Các chuyên gia cho rằng, dù hình ảnh vệ tinh thương mại không thể xác định rõ hoạt động của tàu Tian Yi Hai Gong là đặt cáp mới, sửa chữa, hoặc nâng cấp hệ thống cáp hiện có, song chắc chắn con tàu này làm công việc có liên quan đến cáp ngầm dưới biển. Bởi tất cả các địa điểm mà tàu  Tian Yi Hai Gong hoạt động đều là các căn cứ quân sự của Trung Quốc. Trước đó, năm 2016 Trung Quốc đã bị phát hiện tiến hành hạ đặt cáp ngầm dưới đáy biển thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hãng tin Reuters dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, đó là tuyến cáp ngầm nối căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm với đảo Hải Nam.

Giới chuyên gia quân sự cũng nhận định, động thái mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa nhằm phục vụ mục đích quân sự vì cáp ngầm có thể giúp Trung Quốc tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm đối thủ, kiểm soát lòng biển. Giáo sư James Kraska thuộc Đại học Hải chiến Mỹ nhận định, Trung Quốc có thể đang thiết lập mạng lưới cáp ngầm nhằm phục vụ cho việc liên lạc quân sự được mã hóa giữa các căn cứ quân sự của nước này ở Biển Đông.

Trung Quốc cũng có thể đang thiết lập hệ thống giám sát âm thanh (SOSUS) bao gồm các sonar thụ động nhằm theo dõi hoạt động của tàu chiến, tàu ngầm trong khu vực. Cùng nhận định trên, chuyên gia tác chiến hải quân Bryan Clark thuộc Viện Hudson (Mỹ) cũng cho rằng, hệ thống sonar dưới đáy biển từ đảo Phú Lâm đến đảo Hải Nam sẽ giúp Trung Quốc phát hiện tàu ngầm Mỹ tiếp cận để do thám. Nó cũng đảm bảo cho tàu ngầm Trung Quốc không bị theo dõi khi rời khỏi căn cứ Du Lâm (căn cứ chính của các tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới của Trung Quốc). 

Dùng sức mạnh quân sự để áp đặt chủ quyền

Việc thiết lập mạng lưới giám sát kết nối các đảo và thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Biển Đông là bằng chứng mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục thực hiện kế hoạch quân sự hóa toàn diện ở Biển Đông hòng tìm cách kiểm soát đa tầng, trên mặt biển, trên không và trong lòng biển. Điều này thấy rất rõ nếu nhìn vào những gì mà Trung Quốc đã làm thời gian qua ở Biển Đông.

Việc quân sự hóa Biển Đông đã được Trung Quốc thực hiện từ lâu tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị nước này chiếm đóng trái phép. Trung Quốc trong vài năm qua đã bồi đắp nhiều đảo đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo có tổng diện diện hơn 13km2, trong đó 3 thực thể là đá Vành Khăn, đá Chữ Thập và đá Subi để biến thành 3 đảo nổi là 3 căn cứ quân sự quy mô lớn với sân bay có đường băng dài 3.000m và cảng nước sâu.

Bắc Kinh từ cuối năm 2017 đã chuyển sang giai đoạn mới quân sự hóa Biển Đông với việc triển khai các trang thiết bị vũ khí hiện đại ra các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trong đó, đáng chú ý là triển khai máy bay quân sự ra đá Subi và đá Vành Khăn, hạ cánh lên đá Chữ Thập các máy bay vận tải và tuần tra biển, đưa tên lửa hành trình, thiết lập các thiết bị phá sóng… trên các đảo nổi nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Báo chí khu vực cuối tháng 5 vừa qua đã dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết, nước này đẩy nhanh kế hoạch thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Đó là việc triển khai hệ thống radar phòng không, tên lửa đất đối không tầm bắn tới 250km, máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát điện tử… Các chuyên gia quân sự cho rằng, Trung Quốc đang leo lên những nấc thang ngày càng nguy hiểm hơn trong kế hoạch quân sự hóa toàn diện Biển Đông.

Điều đáng nói, khi yêu sách đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ trong phán quyết đưa ra tháng 7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Trung Quốc càng ráo riết thực hiện quân sự hóa Biển Đông với quy mô lớn. Không có cơ sở pháp lý đòi chủ quyền ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Trung Quốc càng hung hăng hơn trong việc dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền phi pháp tại vùng biển này.