“Toàn tài” hay “toàn tai”?
(ANTĐ) - 9h sáng 17-8, các bác sỹ Bệnh viện trực thuộc Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc vội vã đưa Lượng Lượng vào phòng cấp cứu. Vì nội tạng bị tổn thương nghiêm trọng, Lượng Lượng xuất hiện triệu chứng suy thận cấp. Chiếc máy lạnh như băng được nối với cánh tay gầy gò của cậu bé 14 tuổi bằng đường ống truyền máu vào tĩnh mạch, nhờ vậy khuôn mặt em mới hơi ửng chút hồng.
Tai họa bất ngờ
Lượng Lượng vẫn phải nằm trong phòng theo dõi đặc biệt |
“Nếu không có cảnh sát, chắc cháu không bao giờ quay về được nữa…”, mẹ Lượng Lượng, chị Lý Thục Tân khóc nghẹn lời.
Ngày 12-8-2009, Lý Thục Tân, một công nhân người Trung Giang, Tứ Xuyên được cảnh sát gọi ra giữa giờ làm. Trên xe cảnh sát, chị thấy một cậu bé mặt sưng vù, bê bết máu, hai mắt lạc thần ngồi trên ghế trước. Nhìn kỹ, Lý Thục Tân thấy cậu bé như vừa được đưa lên từ đống đổ nát, tay ôm chặt bụng, không thể ngồi thẳng được mà cứ gò người xuống vì đau. Ban đầu chị không thể nhận ra đó là ai cho tới khi giác quan của người mẹ mách bảo. Lý Thục Tân ngồi xuống nâng vai cậu bé dậy, giật mình khi nhận ra cậu con trai Lượng Lượng, cậu bé sẽ tròn 14 tuổi ngày hôm sau.
Chờ Lý Thục Tân bình tĩnh hơn, một nhân viên cảnh sát cho biết, ngày 11-8, “Trường giáo dục toàn tài phản truyền thống” tại thị trấn Trung Hưng, huyện Trung Giang, Tứ Xuyên chính thức bị giải tán vì những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình hoạt động. Khi thu dọn nơi đây, cảnh sát tìm được Lượng Lượng nằm co trong một gian phòng tối tăm, bụi bặm. Vì không thể liên lạc được với phụ huynh nên cảnh sát đã đưa Lượng Lượng về Thành Đô. Kiểm tra ban đầu tại bệnh viện cho thấy cậu bé bị thương rất nặng.
Ngoài sự lo lắng, trong thâm tâm Lý Thục Tân còn cảm thấy một nỗi hối hận giày vò…
Trường huấn luyện học sinh hư
Ngày 4-8, qua người quen giới thiệu, Lý Thục Tân biết đến mô hình Giáo dục toàn tài phản truyền thống của Ngô Vĩnh Kinh, nghe nói rất có hiệu quả với những học sinh cá biệt, “có vấn đề”. Ngay lập tức, Lý Thục Tân nghĩ tới cậu con trai lớp 6 của mình. Lượng Lượng bình thường lười học nên thành tích thấp, mê chơi điện tử hơn đọc sách, hồi lên lớp 6 còn không chịu đến trường.
Sau khi liên hệ với trường giáo dục toàn tài, được biết tại đây đang bắt đầu khóa huấn luyện cho những học sinh như Lượng Lượng, chị nghiến răng nộp 5.000 NDT học phí. Ngay trong ngày, Lượng Lượng được đưa tới cơ sở huấn luyện ở thôn Ngũ Cân Tùng, thị trấn Trung Hưng. Nghe người phụ trách ở đây nói sẽ “đưa học sinh vào khuôn khổ” mà không có hình phạt hay bạo lực, Lý Thục Tân yên tâm ra về. Không ngờ hậu quả khủng khiếp xảy ra.
Ngày 14-8, Lượng Lượng phải cấp cứu lên bệnh viện tuyến trên vì lo ngại những biến chứng có thể xảy ra. Trong hồ sơ chuyển viện ghi: 1. Gãy xương ức, ngực bị thương, chấn thương ướt phổi; 2. Suy giảm chức năng thận, chất điện phân thiếu cân bằng, clo thấp, calci thấp, photpho cao; 3. Nhiều vùng da trên cơ thể bị nhiễm trùng; 4. Khoang bụng bị thương, vết thương hở; 5. Xung huyết kết mạc mắt trái.
Khi tỉnh táo, Lượng Lượng cho biết, trong mấy ngày ở trường, em bị đánh “hội đồng” 3 lần. Đêm 4-8, đêm đầu tiên được mẹ đưa tới dự khóa huấn luyện tập trung, Lượng Lượng cùng 9 học sinh đồng lứa bị nhốt vào ngủ trong một căn phòng chật hẹp. Sáng hôm sau, dưới sự chỉ đạo của một người đàn ông họ Đường, tất cả bị bắt đi đất ra sân tập khi chưa ăn sáng.
Lượng Lượng nhận được yêu cầu chống đẩy 500 cái, vì không hoàn thành nên bị “thầy Đường” cho các bạn khác trừng phạt bằng đòn gánh. Ngay sau đó, tất cả lại được đưa lên núi tập các kỹ năng kiểu đặc công đến 11h mới được về sau khi đã kiếm được một bó củi to, tự nổi lửa nấu cơm. Sau bữa trưa với cà và đậu phụ, các em tiếp tục bị huấn luyện cho đến 23h30.
Sáng 5-8, Lượng Lượng không dậy nổi. Cùng ngày đó, một sinh viên chết đuối trong khi huấn luyện bơi nên Lượng Lượng và một bạn khác sức khỏe kém bị nhốt ở nhà. Cậu học sinh này cho biết, cậu ta cũng từng thử trốn mấy lần nhưng đều bị bắt lại, mỗi lần như vậy lại được một trận đòn dã man.
(Còn tiếp)
Bảo Trâm (Theo Sina)