Tòa án Quốc tế ra phán quyết yêu cầu Nga thả tàu và thủy thủ Ukraine

ANTD.VN - Ngày 25-5-2019, Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) yêu cầu Nga phải thả ngay 24 thủy thủ và 3 tàu hải quân Ukraine bị bắt giữ ở eo biển Kerch, ngoài khơi Bán đảo Crimea hồi cuối năm ngoái.    

Phán quyết tháng 5

Tòa án Quốc tế về Luật Biển, họp tại Hamburg (Đức) hôm 25-5, đã ra phán quyết, yêu cầu Nga thả ngay 2 tàu chiến Ukraine, 1 tàu phụ trợ và 24 thủy thủ sau khi bị Nga bắt giữ trên eo biển Kerch hồi cuối tháng 11-2018; đồng thời yêu cầu Nga và Ukraine kiềm chế các hành động để tránh làm trầm trọng thêm tình hình.

Tàu Ukraine bị Nga bắt giữ được đưa về cảng Kerch, Bán đảo Crimea vào ngày 26-11-2018 (Nguồn: Reuters)

Đáp trả phán quyết trên, Bộ Ngoại Nga (25-5) giữ quan điểm không tham gia các cuộc họp của Tòa ITLOS vì không liên quan đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; chỉ rõ rằng, Tòa ITLOS không có thẩm quyền để giải quyết vụ việc.

Cũng trong ngày 25-5, tân Tổng thống Ukraine V. Zelensky lên tiếng cho rằng, Nga nên công nhận phán quyết của Tòa ITLOS; khẳng định việc thực thi quyết định này là bước đi phù hợp nhằm mở cánh cửa thương lượng giữa Moscow và Kiev. Trên facebook cá nhân, ông Zelensky viết: "Việc tuân thủ phán quyết của ITLOS là tín hiệu đầu tiên từ ban lãnh đạo Nga thực sự sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Do đó, Nga có thể tiến tới khai thông thế bế tắc trong thương lượng với Kiev".

Thực tế, những gì ông Zelensky lên tiếng, cùng với kiểu phán quyết không cần tham gia điều trần của tòa ITLOS không khác gì với những yêu cầu đơn phương của Ukraine từ thời cựu Tổng thống P. Poroshenko.

Trước đó, ngày 25-11-2018, lính biên phòng Nga đã bắt giữ các tàu chiến Ukraine Berdyansk và Nikopol và tàu phụ trợ Yani-Kapa, đang đi từ Odessa đến Mariupol trong khu vực Eo biển Kerch. Trên tàu lúc đó có 24 thủy thủ. Các tàu chiến Nga đã tấn công và bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine với tội danh "xâm phạm trái phép".

Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng 3 tàu hải quân cùng 24 thủy thủ đã xâm nhập vào lãnh hải của Nga, phía lực lượng hải quân và biên phòng đã phát đi cảnh báo nhiều lần trước khi buộc phải bắt giữ 3 tàu này. Vấn đề lãnh hải không liên quan đến Luật biển quốc tế.

Phía Kiev gọi việc giam giữ tàu và thủy thủ của Nga là "bất hợp pháp", vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Hồi tháng 4-2019, Ukraine đã kháng cáo lên Tòa án Quốc tế, yêu cầu Nga có nghĩa vụ thả tự do cho tàu và các thủy thủ Ukraine, nếu không Tòa sẽ phải có hành động trừng phạt, răn đe Nga.

Tác động tới quan hệ tay ba Nga-Mỹ-Ukraine

Vụ việc ở eo biển Kerch đã khiến cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Mỹ D. Trump bị hủy bỏ. Các cuộc đàm phán đó nếu diễn ra sẽ là cuộc gặp gỡ chính thức lần thứ hai giữa ông V. Putin và D. Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, sau cuộc gặp hướng tới sự cải thiện quan hệ tại Helsinki, Phần Lan (7-2018). Tuy nhiên, vào những giây cuối cùng, Tổng thống Mỹ đã hủy cuộc gặp do sự cố ở eo biển Kerch.

Ngoài ra, quan hệ giữa Nga-Ukraine cũng bị tác động mạnh do Ukraine đang theo xu hướng "ly tâm" khỏi Nga, đẩy mạnh chính sách "bài Nga" như Gruzia, chấm dứt các cơ chế hợp tác với Nga và thoát ly khỏi các cuộc chơi do Nga dẫn dắt. Thậm chí leo thang căng thẳng khi tân Tổng thống Zelensky liên tục dùng phương pháp "ăn miếng, trả miếng" đối với Nga như vấn đề Tổng thống V. Putin (24-4) ký sắc lệnh đơn giản thủ tục cấp hộ chiếu cho cư dân khu vực Donbass - những người dân đa số nói tiếng Nga, vấn đề biên giới, lịch sử, ngôn ngữ; khẳng định sẽ lấy lại Crimea từ tay Nga và không gửi lời mời lãnh đạo Nga trong ngày nhậm chức Tổng thống (20-5).