Tổ chức Y tế thế giới hành động khẩn cấp để giảm số người chết vì rắn cắn

ANTD.VN - Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc (UN) Kofi Annan từng phát biểu rằng, “rắn cắn là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà nhiều người chưa từng nghĩ đến”. Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một kế hoạch hành động khẩn cấp với nỗ lực giảm số người chết vì rắn cắn mỗi năm.

Tổ chức Y tế thế giới hành động khẩn cấp để giảm số người chết vì rắn cắn ảnh 1Hầu hết các trường hợp tử vong do rắn cắn xảy ra tại các làng nông thôn ở khu vực cận Sahara, Nam Á và Đông Nam Á

Mỗi năm có từ 81.000 đến 138.000 người thiệt mạng vì rắn cắn 

Hàng triệu người trên khắp thế giới từng biết đến sự khủng khiếp của virus Ebola vào năm 2014 khi căn bệnh chết người nhanh chóng lây lan từ một ngôi làng nhỏ ở Guinea đến Tây Phi, châu Âu và Mỹ làm khoảng 11.000 người thiệt mạng. Đại dịch Ebola kéo dài 3 năm là nỗi sợ hãi lan rộng trên khắp thế giới. Bên cạnh đại dịch Ebola, “một kẻ giết người” nguy hiểm khác ít người để ý là rắn độc đang hoành hành ở vùng cận Sahara, Đông Nam Á và Nam Á. 

Rắn cắn đã cướp đi sinh mạng của 400.000 nạn nhân trong giai đoạn 2014-2016, khiến nó nguy hiểm gấp gần 40 lần so với virus Ebola. Mặc dù thuốc “chống nọc độc rắn cắn” đã được triển khai trên quy mô toàn cầu nhưng vẫn có tới 130.000 ca tử vong, 300.000 ca bị thương buộc phải cắt cụt tay, chân vì rắn cắn vào năm ngoái. Theo WHO, ước tính, mỗi năm có từ 81.000 đến 138.000 người thiệt mạng vì rắn cắn nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn.

Rắn cắn đã cướp đi sinh mạng của 400.000 nạn nhân trong giai đoạn 2014-2016. Mặc dù thuốc “chống nọc độc rắn cắn” đã được triển khai trên quy mô toàn cầu nhưng vẫn có tới 130.000 ca tử vong, 300.000 ca bị thương buộc phải cắt cụt tay, chân vì rắn cắn vào năm ngoái. Theo WHO, ước tính, mỗi năm có từ 81.000 đến 138.000 người thiệt mạng vì rắn cắn nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn.

WHO mong muốn giảm số người chết vì rắn cắn xuống còn một nửa vào năm 2030 thông qua khoản hỗ trợ kinh phí hơn 136 triệu USD nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về cách ngăn ngừa rắn cắn, cung cấp thuốc chống nọc độc cho các cộng đồng nghèo khó, sống xa các trung tâm thành phố. 

Ở các quốc gia phương Tây, sợ rắn cắn thường được coi là “nỗi lo lắng phi lý” giống như  hội chứng sợ máy bay, nhện và độ cao. Ở Mỹ, khoảng 5 người chết vì rắn cắn mỗi năm. Ở châu Âu, con số này thậm chí còn ít hơn, chưa đến 4 trường hợp. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển lại là câu chuyện khác.

Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra tại các làng nông thôn ở khu vực cận Sahara, Nam Á và Đông Nam Á. Do nhiều ngôi làng cách các bệnh viện địa phương hàng giờ di chuyển nên có tới 80% nạn nhân thường tự chữa vết thương do rắn cắn tại nhà hoặc tìm đến các thầy lang băm địa phương. 

“Thuốc chống độc vẫn nằm ngoài tầm với của những người cần nó”

Khi các bệnh nhân không đến bệnh viện chữa trị, các cơ quan chức năng không thể có thống kê chính xác về số người thực sự chết vì vết cắn. Ví dụ, một nghiên cứu cộng đồng về các trường hợp tử vong do rắn cắn ở Ấn Độ cho hay, có khoảng 45.900 ca tử vong trong năm 2005, cao hơn 30 lần so với con số chính thức do Chính phủ Ấn Độ công bố. Chính điều này gây khó khăn cho Chính phủ Ấn Độ khi đặt mua thuốc chống nọc độc phù hợp với từng khu vực cụ thể. Phần lớn các quốc gia mua thuốc chống nọc độc đắt tiền từ các công ty phương Tây. 

Vì không có thống kê chính xác về số lượng người bị rắn cắn cũng như khả năng dự phòng nên việc đặt mua thuốc chống nọc độc thường ít hơn thực tế. Một số công ty sản xuất thuốc chống nọc độc đã ngừng sản xuất vì số lượng đặt mua ít. Điều này đã xảy ra vào năm 2014, khi FAV-Afrique - một loại thuốc chống nọc độc được sử dụng để điều trị nọc độc của 10 loài rắn khác nhau ở khu vực cận Sahara đã ngừng sản xuất. Lô thuốc FAV-Afrique cuối cùng hết hạn vào năm 2016.

“Đó là vòng luẩn quẩn khi các quốc gia không mua thuốc chống nọc độc dự trữ trong các bệnh viện vì nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, các công ty dược phẩm không sản xuất thuốc vì rất ít người mua. Kết quả là, thuốc chống độc vẫn nằm ngoài tầm với của những người cần nó”, một chuyên gia của tổ chức Bác sĩ không biên giới nói.

Vị chuyên gia của tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết thêm, với một số quốc gia đang phát triển, thuốc chống nọc độc vẫn còn quá cao so với thu nhập của người dân. Tại Ấn Độ, chi phí điều trị ban đầu có thể lên tới 5.150 USD. Nhiều nạn nhân cho biết đã phải dùng tiền tiết kiệm, bán đất, cho con cái nghỉ học để có tiền điều trị rắn cắn.

WHO cho biết, đã có kế hoạch thu thập số liệu chính xác hơn để các bệnh viện dự trù số lượng thuốc chống nọc độc đầy đủ. Tổ chức này cũng có kế hoạch cung cấp thêm dịch vụ cứu thương giúp nạn nhân bị rắn cắn sống ở các ngôi làng xa xôi có thể tiếp cận điều trị chống nọc độc trước khi quá muộn.