Tình trạng khan hiếm nước sạch ở Trung Quốc

(ANTĐ) - Với dân số lớn nhất thế giới, tình trạng khan hiếm nước sạch ở Trung Quốc có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn về kinh tế và xã hội. Thực trạng phát triển thiếu những nhân tố đảm bảo cân bằng dường như đang là tác nhân trực tiếp khiến vấn đề khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước sạch ở nước này vẫn luôn nóng bỏng.

Tình trạng khan hiếm nước sạch ở Trung Quốc

(ANTĐ) - Với dân số lớn nhất thế giới, tình trạng khan hiếm nước sạch ở Trung Quốc có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn về kinh tế và xã hội. Thực trạng phát triển thiếu những nhân tố đảm bảo cân bằng dường như đang là tác nhân trực tiếp khiến vấn đề khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước sạch ở nước này vẫn luôn nóng bỏng.

Nguồn nước khan hiếm khiến đời sống nông dân trở nên rất khó khăn
Nguồn nước khan hiếm khiến đời sống nông dân trở nên rất khó khăn

Hậu quả nhãn tiền

Những ngày đầu tháng 8-2009, hơn 3.100 người dân sống ở thành phố Trì Phụng, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc đã phải nhập viện do dùng phải nước máy bị ô nhiễm. Theo kết quả giám định của cơ quan vệ sinh dịch tễ, nguyên nhân do trận mưa lớn ngày 23-7, khiến một hồ chứa nước tại Trì Phụng dâng cao cùng những nguồn nước bẩn trên mặt đất tràn vào hệ thống cấp nước sinh hoạt của người dân. Một lần nữa, vấn đề đảm bảo an ninh nước sạch của Trung Quốc lại được người ta bàn đến với nhiều lo ngại. 

Trong những năm trở lại đây, việc khai thác nước sạch trở nên cực kỳ khó khăn với đất nước rộng thứ 4 thế giới này. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này rất nhiều: đầu năm 2009, một đợt hạn hán kéo dài xảy ra, chỉ riêng tỉnh Hà Nam và Hà Bắc đã có tới 5 triệu người và 2,5 triệu gia súc thiếu nước dùng. Tiếp đó, một công ty hóa chất đổ nước thải xuống sông khiến 200.000 người sống ở Diêm Thành, Giang Tô bị cắt cung cấp nước sạch trong 3 ngày liên tiếp. Trước đó, trong thời gian chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh, vô số thuyền buồm được đưa ra tập dượt khiến nguy cơ ô nhiễm cận kề ở các thành phố nằm ven biển. Hoặc gần đây hơn, ngày 6-7, một xe tải chở 33,6 tấn phenol thô bị lật làm toàn bộ số hàng này bị đổ xuống sông Chiết Thương, dẫn đến nguy cơ nhiễm độc cho 200.000 người dân sống ở thành phố Bạch Sắc, Quảng Tây.

Trải qua nhiều năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức 2 con số và dân số tăng vọt, Trung Quốc dường như đã không thể đáp ứng được nhu cầu về nước sạch không ngừng tăng lên. Có ít nhất 400 trên tổng số 600 thành phố nước này thiếu hoặc thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Quy luật của phát triển “nóng”

Hiện vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là nước thải - sản phẩm tất yếu của nền công nghiệp phát triển với tốc độ cao. Theo con số thống kê của cơ quan quản lý môi trường Trung Quốc, hiện trên toàn đất nước này có tới 48 hồ chứa nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Riêng hai con sông lớn nhất là Hoàng Hà và Trường Giang, có tới 40% lượng nước cung cấp cho sinh hoạt bị phát hiện là ô nhiễm nặng, thậm chí còn không thể dùng để tưới tiêu trong nông nghiệp. Nước mưa hiện cũng không còn là nước an toàn. Riêng trong năm 2008 cơ quan chức năng đã phải xử lý 48 trường hợp gây hại cho môi trường.

Tốc độ đô thị hóa quá nhanh cũng là một vấn đề khác của Trung Quốc. Nếu như những năm 1990, dân số thành thị của Trung Quốc chỉ đạt 300 triệu người thì hiện nay con số đó đã gấp đôi với khả năng đạt tới 900 triệu người vào năm 2020. Quá trình đô thị hóa cộng với mục tiêu phát triển kinh tế tương xứng ở các vùng miền đã gây ra những áp lực lớn hơn với môi trường, khiến nguồn nước mất dần, chất lượng nước kém đi và vấn đề khan hiếm nước trở nên phức tạp. Tính đến thời điểm hiện nay, lượng nước sạch trên đầu người của Trung Quốc chỉ còn 2.151 m3/năm, bằng 25% so với các nước khác trên thế giới.

Trước mắt, chính phủ Trung Quốc đang thử đầu tư vốn để giải quyết tình trạng khó khăn này. Tháng 9-2008, đã có 7,46 tỷ NDT được duyệt đầu tư vào 2.712 dự án xử lý nước. Tuy vậy, các dự án này liên tục bị trì hoãn do những ảnh hưởng về môi trường, chính sách tiết kiệm năng lượng… Đầu năm 2009, Trung Quốc chính thức bắt tay vào thực hiện dự án nâng cao chất lượng nước được coi là lớn nhất từ trước đến nay với tổng chi phí 4,4 tỷ USD, được thực hiện trong 12 năm, tập trung xử lý toàn bộ các lưu vực sông hiện đang ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học cũng có những ý kiến trái ngược, cho rằng thay vì xử lý sau khi ô nhiễm thì nhà nước nên tập trung kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.

Bảo Trâm

(Tổng hợp)