Tình trạng khẩn cấp toàn cầu: Thế giới cùng gồng mình đối phó đại dịch virus Corona

ANTD.VN - Cho dù dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra đang tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh và diễn biến phức tạp, song Trung Quốc cũng như cộng đồng thế giới đang tìm mọi phương cách để chạy đua nhằm chặn đứng đại dịch nguy hiểm này.

Tình trạng khẩn cấp toàn cầu: Thế giới cùng gồng mình đối phó đại dịch virus Corona ảnh 1Các quốc gia đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra

Số liệu mới nhất tính tới trưa ngày 30-1 cho thấy đại dịch do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt với hơn 7.800 ca mắc được ghi nhận trên toàn thế giới, trong đó có 170 trường hợp tử vong (có tới 162 trường hợp tử vong tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, là nơi xuất phát của dịch nCoV). Rất đáng lo ngại khi so với chỉ một ngày trước đó, ngày 29-1, số ca mắc virus Corona đã tăng tới 1.760 trường hợp, số trường hợp tử vong tăng 38 người.

Hơn lúc nào hết, hạn chế sự lây lan để tiến tới khống chế đại dịch virus Corona đang là việc làm cấp thiết trên toàn cầu, trước hết là “tâm dịch” Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người này cùng các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế đang chạy đua hết sức với mục tiêu dập tắt dịch bệnh nCoV trong thời gian sớm nhất có thể để giảm thiếu tối đa tổn thất về sinh mạng con người cũng như các thiệt hại kinh tế-xã hội khác.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu sơ tán công dân khỏi Vũ Hán cho dù “tâm bão” của  dịch bệnh nCoV này và số địa phương khác hiện đã bị phong tỏa. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa chiều 30-1 cho biết, nước này đã nhận được thông báo từ phía Trung Quốc về kế hoạch cấp phép cho một chiếc máy bay thuê bao đến thành phố Vũ Hán để đưa công dân Hàn Quốc về nước và dự kiến máy bay này sẽ hạ cánh xuống Hàn Quốc vào 4 giờ sáng ngày 31-1.

Do các nước khác như Mỹ, Nhật Bản… đều có chung yêu cầu gửi máy bay tới sơ tán công dân của mình từ thành phố Vũ Hán đang bị phong tỏa về nước, nên trước mắt chính phủ Trung Quốc sẽ cấp phép cho mỗi nước một chuyến bay đưa công dân về nước. Anh ngày 30-1 đã phải trì hoãn kế hoạch sơ tán các công dân của nước này khỏi Vũ Hán do chuyến bay chở những công dân trên vẫn chưa được phía Trung Quốc cấp phép, còn công dân Mỹ hiện ở Vũ Hán phải chờ tới ngày 3-2 tới mới có chuyến bay được cấp phép đề về nước.

Cùng với việc sơ tán công dân khỏi vùng dịch ở Trung Quốc, nhiều quốc gia có chung đường biên giới với nước này cũng đã áp dụng biện pháp đóng cửa biên giới để hạn chế virus Corona lây lan. Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin ngày 30-1 đã ký lệnh đóng cửa biên giới giữa vùng Viễn Đông với Trung Quốc. Đó cũng là biện pháp được Mông Cổ, Triều Tiên và một số quốc gia Trung Á áp dụng trong những ngày gần đây.

Trong khi đó, Trung Quốc đang huy động tối đa mọi nguồn lực để khống chế đại dịch virus Corona. Việc bệnh viện chuyên điều trị virus Corona đầu tiên của Trung Quốc đặt tại tỉnh Hồ Bắc với 1.000 giường bệnh đã đi vào hoạt động đêm 28-1 vừa qua sau khi được hoàn thành với tốc độ “thần tốc” chỉ trong vòng 48 giờ. 

Một trong những ưu tiên hàng đầu vào lúc này của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế là đẩy nhanh nhất có thể việc nghiên cứu vaccine phòng ngừa virus Corona mới (nCoV). Giáo sư Zhang Linqi, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc, cho biết việc nghiên cứu và bào chế vaccine ngừa virus Corona chủng mới cần ít nhất 40 ngày để điều chế vaccine với sự hỗ trợ của công nghệ mới. 

Trung Quốc và thế giới đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn song dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra vẫn đang lây lan tới tốc độ rất nhanh. Thế nên, mọi biện pháp phòng chống phải được đẩy lên cấp độ cao hơn nữa, với sự vào cuộc của tất cả các quốc gia cũng như mỗi người dân. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29-1 tuyên bố, việc chủng virus Corona mới lây truyền giữa người với người là đáng lo ngại và việc này sẽ được các chuyên gia của WHO đánh giá khi nhóm họp lần nữa để xem xét liệu có tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.

Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (2019nCoV) gây ra.