Tìm thế cân bằng

(ANTĐ) - Phát biểu trong cuộc họp báo tại Thủ đô Matxcơva nhân chuyến thăm Nga, ông H. Chavez khẳng định Nga có đủ tiềm năng để hiện diện trên khắp thế giới và trong trường hợp các lực lượng vũ trang Nga muốn có mặt tại Venezuela thì họ sẽ được chào đón nhiệt liệt.

Tìm thế cân bằng

(ANTĐ) - Phát biểu trong cuộc họp báo tại Thủ đô Matxcơva nhân chuyến thăm Nga, ông H. Chavez khẳng định Nga có đủ tiềm năng để hiện diện trên khắp thế giới và trong trường hợp các lực lượng vũ trang Nga muốn có mặt tại Venezuela thì họ sẽ được chào đón nhiệt liệt.

Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M1 có thể giúp Venezuela tạo ra đối trọng với Mỹ
Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M1 có thể giúp Venezuela  tạo ra đối trọng với Mỹ

Để khẳng định thêm mối quan hệ ngày càng mật thiết giữa Venezuela và Nga, Tổng thống H. Chavez tiết lộ hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc Nga bán cho Venezuela một hệ thống phòng không để tăng cường khả năng phòng thủ của nước này trước mối đe dọa của Mỹ.

Lâu nay, quan hệ Mỹ - Venezuela luôn trong cảnh “mặt trăng mặt trời”. Trong khi Washington cáo buộc Tổng thống H. Chavez hỗ trợ “các phần tử khủng bố” tại nước láng giềng Colombia và kích động một chiến dịch chống Mỹ, thì Caracas công khai kêu gọi các quốc gia Nam Mỹ hiện do cánh tả lãnh đạo liên kết về mặt quân sự để đối phó với một cuộc xâm lược của Mỹ.

Trong cuộc đối đầu này, Venezuela không thiếu những “con bài” nặng ký, trước hết là tiềm lực dầu khí. Hiện tại, mỗi ngày Venezuela xuất sang Mỹ 1,5 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ. Nếu dòng nhiên liệu này ngừng chảy, nền kinh tế Mỹ sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng. Tiềm lực quân sự của Nga cũng là thứ mà Venezuela dựa vào để tạo đối trọng với Mỹ.

Các con số thống kê cho thấy năm ngoái, Nga đã ký hợp đồng bán vũ khí cho Venezuela 4 tỷ USD vũ khí, bao gồm các máy bay trực thăng chiến đấu, máy bay phản lực Sukhoi và súng trường Kalashnikov. Còn trong chuyến thăm Matxcơva lần này, Tổng thống H. Chavez đã nêu lên đề nghị mua 3 tàu ngầm, 20 hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tự hành Tor-M1 của Nga với tổng trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Còn đối với nước Nga, thiết lập chặt chẽ quan hệ với Venezuela đang tạo những cơ hội tuyệt vời. Làm sao nước Nga có thể làm ngơ khi mà Mỹ tìm mọi cách thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu ngay sát biên giới với Nga? Làm sao Matxcơva có thể tin rằng các bước đi “Đông tiến” của khối quân sự hùng mạnh nhất thế giới sang các nước thuộc Liên Xô trước là hành động “bảo đảm an ninh cho châu Âu”?

Hợp tác quân sự với Venezuela chẳng những đem lại nguồn lợi lớn cho nước Nga mà còn là cơ hội để Matxcơva lấy lại thế cân bằng trước những hành động lấn lướt đơn phương của Mỹ. Tổng thống Nga D. Medvedev đã công khai khẳng định rằng, Nga và Venezuela “có chung một nhiệm vụ, đó là làm cho thế giới xung quanh dân chủ, công bằng và an toàn hơn”.

Với khoảng cách giữa Mỹ và Venezuela chỉ hơn 2.000 km, sự xuất hiện các vũ khí của Nga ở Venezuela chắc chắn sẽ làm Washington “mất ăn mất ngủ”.

Nếu điều đó xảy ra, thế giới sẽ phải đối mặt với sự tái hiện vụ “khủng hoảng tên lửa” như hồi năm 1962, khi Liên Xô cho triển khai các tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ Cuba để trả đũa việc Mỹ đặt tên lửa hạt nhân ở châu Âu. Lúc đó, Liên Xô và Mỹ đã gần tiến tới một cuộc chiến tranh hạt nhân trong cuộc đối đầu được coi là nghiêm trọng nhất thời “Chiến tranh lạnh”.

Không ai mong muốn kịch bản nguy hiểm đó lại tái hiện. Tuy nhiên, việc Nga và Venezuela xích lại với nhau trong lĩnh vực quân sự là nỗ lực của hai nước nhằm tìm lại thế cân bằng trên thế giới sau những biến động tiêu cực xuất phát từ các hành động đơn phương của Mỹ.

Hoàng Sơn