Tìm thấy con bị bắt cóc sau 27 năm nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt

ANTD.VN - Fu Gui (33 tuổi), hiện đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc bị bắt cóc từ năm lên 6 tuổi mới đây đã may mắn tìm lại được cha mẹ của mình nhờ vào công nghệ nhận diện gương mặt trên một trang web tìm người thân.

Tìm thấy con bị bắt cóc sau 27 năm nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt ảnh 1Bức ảnh năm Fu Gui 4 tuổi do gia đình cung cấp (trái) và bức ảnh vào năm 10 tuổi do chính Fu Gui đăng tải (phải) trên trang web “Baby Come Home”

2 bức ảnh, 1 câu chuyện

Theo People's Daily, cha của Fu Gui, ông Fu Guangyou và các thành viên trong gia đình đã không ngừng tìm kiếm cậu con trai “bỗng nhiên” mất tích trong suốt 27 năm qua. Cậu bé sinh ra ở Trùng Khánh, phía Tây Nam Trung Quốc vào năm 1984 và mất tích năm 1990.

Trong suốt thời gian ấy, gia đình ông Guangyou đã vận dụng đủ mọi cách để có thể tìm kiếm con mình. Khi biết tới trang web Baobeihuijia (tiếng Anh là “Baby Come Home”, tạm dịch: “Con yêu trở về nhà”) - một trang web chuyên giúp đỡ các gia đình tìm lại những đứa con bị thất lạc ở Trung Quốc, ông Guangyou đã tải thông tin của Fu Gui và đính kèm ảnh Gui khi lên 4 tuổi. 

Về phần mình,  anh Fu Gui cũng bắt đầu tìm kiếm những người thân thất lạc của mình từ năm 2009. Thông qua hệ thống trợ giúp trên Baby Come Home, anh tải lên trang web này tấm ảnh của mình hồi 10 tuổi.

Fu Gui lúc này đã được cha mẹ nuôi đổi tên thành Hu Kui. Trong hồ sơ của mình, Hu Kui khai sinh năm 1986 và bị lạc mất bố mẹ năm 1991. Ban đầu, do sự khác biệt thông tin mà hai bên cung cấp nên những nhân viên của “Baby Come Home” đều cho rằng đây là hai trường hợp khác nhau, không có bất kì mối liên hệ  nào.

Tuy nhiên, số phận của Fu Gui và gia đình đã thay đổi sau khi “Baby Come Home” bắt đầu ứng dụng công nghệ nhận diện gương mặt hay còn được gọi là công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến (AI) do Baidu thiết kế và phát triển vào tháng 3 năm nay. Khi hệ thống nhận dạng được những điểm tương đồng giữa  Fu Kui 10 tuổi và Fu Gui, 4 tuổi, họ đã thông báo về cho hai gia đình.

“Từ lần đầu xem hồ sơ của Fu Gui, chúng tôi đã có cảm giác đó có thể chính là anh ấy. Họ không chỉ trông giống nhau trên ảnh mà tên cũng na ná”, một nhân viên của Baby come home cho biết.

Một cuộc xét nghiệm ADN được tiến hành vào ngày đầu tháng 4 vừa qua để so sánh thông tin sinh học của Fu Gui và bố mẹ, kết quả cho thấy họ có quan hệ huyết thống. Sự đoàn tụ của Fu Gui và cha mẹ đánh dấu trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc mà gia đình có thể tìm được con thất lạc nhờ sự trợ giúp của công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Hy vọng mới 

Theo thống kê, hàng năm ở Trung Quốc có tới hàng chục nghìn đứa trẻ bị bắt cóc và bán cho những gia đình hiếm con hoặc bán cho những người lợi dụng trẻ nhỏ để làm nô lệ, bán dâm… Trang mạng Baobeihuijia được lập ra nhằm giúp những gia đình bị mất con tìm lại con cái của họ và ngược lại.

Trong nhiều năm, các tình nguyện viên của trang này thường  so sánh các hình ảnh được đăng tải theo phương pháp thủ công. Tuy nhiên, từ khi có công cụ nhận diện khuôn mặt, “Baby Come Home” đã nhanh chóng phân tích dữ liệu từ hơn 60.000 bức ảnh của những đứa trẻ bị thất lạc trên cả nước trong cơ sở dữ liệu hiện có.

Mỗi trường hợp, hệ thống sẽ chọn ra 30 bức ảnh phù hợp nhất với tiêu chí được mô tả. Cho tới hiện tại, công nghệ này đã giúp được vài trường hợp cha mẹ tìm lại được con. Trong trường hợp của Fu Gui, hệ thống này đã nhận ra các bức ảnh của cùng một người dù chụp cách nhau 6 năm. Bởi vậy, những nhà sáng chế phần mềm khẳng định rằng, nếu đúng một người thì hệ thống của họ có độ chính xác lên tới 99,77%.