Tiết lộ thú vị từ nhà cung cấp tiền giả cho phim Hollywood

ANTD.VN - “Tôi vừa ra khỏi một cuộc họp với Sở Mật vụ. Tôi vẫn đang ở trong bãi đỗ xe”, “Rich” RJ Rappaport trả lời khi bắt đầu cuộc phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên CNN. Lý do của cuộc họp: Bàn về tiền giả.

Rappaport là người sáng lập Công ty đạo cụ RJR có trụ sở tại Atlanta, một công ty chuyên cung cấp tiền giả cho hoạt động điện ảnh. Tiền của công ty này được sử dụng trong một số bộ phim nổi tiếng như “The Wolf of Wall Street”(Sói già phố Wall), “The Fast and the Furious” (Quá nhanh quá nguy hiểm)…  Nhưng in tiền là một việc khá nhạy cảm, sao anh ta lại liên lạc với nhà chức trách? “Tôi muốn nắm rõ về luật pháp và quy định liên quan đến tiền giả. Làm tiền giả trái phép dễ bị đóng cửa và phạt tù lắm”.

Tiết lộ thú vị từ nhà cung cấp tiền giả cho phim Hollywood ảnh 1Một cảnh trong phim Hollywood có sử dụng tiền giả

Tiền giả từ hàng thường đến “siêu cấp”

Về mặt kỹ thuật, tiền giả ở Mỹ phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt của liên bang (được nêu trong Đạo luật chống tiền giả năm 1992), ví như chỉ được in một mặt và kích thước phải lớn hơn hoặc nhỏ hơn đáng kể so với tiền thật. Nhưng không phải ai cũng tuân thủ điều này và một vài sự cố đã xảy ra.

Năm 2001, trong quá trình quay “Rush Hour 2” (Giờ cao điểm 2) ở Las Vegas, khoảng 1 tỷ USD tiền giả đã bị thổi bay trong một cảnh quay. Do nhiều tờ không thu hồi được, chúng đã không bị hủy và đi vào lưu thông. Vì thế, cơ quan Mật vụ vào cuộc điều tra. Sự kiện này đặt ra tiền lệ cho các nhà sản xuất tiền giả.

RJ cho biết, ông đối thoại trực tiếp với nhà chức trách để đảm bảo tuân thủ đúng các quy tắc của liên bang trong khi tìm cách tạo ra đồng đô la giả tốt nhất có thể. Công ty của Rappaport tạo ra 2 loại tiền: một là hàng chất lượng cao phục vụ cho cận cảnh và một loại đủ tiêu chuẩn giống như thật nếu nhìn ở khoảng cách 40cm.

“Tiền giả loại tiêu chuẩn của chúng tôi được in trên cả hai mặt, nhưng có một ảo ảnh quang học được tích hợp trong đó. Thủ thuật làm cho nó trông giống như thật trên máy quay phim nhưng là giả nếu ai đó cố tình đem đi tiêu. Còn loại tiền cao cấp được sử dụng để quay cận cảnh, ai đó đếm tiền và đặt vào tay người khác. Chúng trông thật tuyệt vời nhưng chỉ được in một mặt mà thôi”.

Để làm đúng quy định của pháp luật, tiền của Công ty đạo cụ Rappaport không thể giống thiết kế của tiền thật, vì thế họ phải có thiết kế riêng. “Một số loại giấy của chúng tôi có thể đổi mầu khi ai đó đi qua. Chúng tôi là công ty duy nhất trên thế giới có thể làm được điều này bởi vì nó rất tốn kém, nhưng chúng tôi muốn tiền của mình trông thực sự ổn”, Giám đốc Rappaport nói.

“Siêu phẩm” đạo cụ phục vụ phim trường

Nhìn thoáng qua, loại tiền giả siêu cấp trông giống như thật. Nhưng một khi phóng to, sự khác biệt trở nên rõ ràng. Từ hình ảnh của cựu Tổng thống Franklin cho đến các dòng chữ Hoa Kỳ hay Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ trên tiền giả đều có chỉnh sửa và còn in thêm “Không phải tiền thật”.

Tiền của RJR bán ra 100 tờ một tệp, loại tiêu chuẩn có giá 45 USD và loại cao cấp là 65 USD. Họ cũng tạo ra loại tiền cũ, giống như đã được lưu hành, nhưng chi phí thêm 20 USD. “Chúng được làm thủ công, phải làm sao để mọi tờ tiền đều nhăn nheo, ố vàng, xém tàn thuốc lá, giống như những đồng tiền đang lưu hành thật. Công đoạn này khá vất vả, chúng tôi thường cần 15 hoặc 20 người xử lý cùng lúc”, ông Rappaport cho biết.

Một trong những đơn hàng tiền giả lớn nhất mà RJR đã nhận là cho bộ phim “Ozark” của hãng Neflix, trong đó một luật sư của băng đảng ma túy, do Jason BHRan thủ vai,  cất giấu một lượng lớn tiền mặt trong tường nhà và các địa điểm khác. “Đó là một cảnh quay rất ấn tượng. Chúng tôi không ngờ đó lại là khoảnh khắc rất đáng nhớ của bộ phim”, ông Rappaport nói.

Khu vực Atlanta, nơi Công ty đạo cụ RJR đóng trụ sở, gần đây nổi lên như một kinh đô điện ảnh mới với biệt danh “Hollywood của miền Nam”. Để đáp ứng nhu cầu, ngoài thế mạnh là tiền giả, RJR có khoảng 30.000 đạo cụ khác, kể cả khoang tàu vũ trụ hay 5-6 chiếc máy bay, một số là thực và có thể quay bên trong hay bên ngoài. Trong khi hầu hết các đạo cụ được thuê, tiền giả hầu như luôn được thanh toán và đôi khi được chủ nhân khoe trên mạng xã hội Instagram. 

Nhưng liệu có công ty điện ảnh nào sử dụng tiền thật để quay phim không? “Có chứ, thực sự có một số nghệ sĩ sử dụng tiền thật nhưng tôi không thể nói ai sử dụng tiền thật và ai sử dụng tiền giả vì đó sẽ là một rủi ro về an ninh”, ông chủ RJR khẳng định. 

Tiền giả ở Mỹ phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt của liên bang (được nêu trong Đạo luật chống tiền giả năm 1992), ví như chỉ được in một mặt và kích thước phải lớn hơn hoặc nhỏ hơn đáng kể so với tiền thật. Hành vi in tiền giả trái phép sẽ bị phạt hành chính hoặc phạt tù.