Tiền lệ nguy hiểm

(ANTĐ) - Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về vấn đề Kosovo như càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa ly khai đầy nguy hại không chỉ ở vùng Balkans mà còn nhiều khu vực khác ở châu Âu và thế giới.

Tiền lệ nguy hiểm

(ANTĐ) - Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về vấn đề Kosovo như càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa ly khai đầy nguy hại không chỉ ở vùng Balkans mà còn nhiều khu vực khác ở châu Âu và thế giới.

Hai trẻ em người Serbia đạp xe bên một toán lính gìn giữ hòa bình NATO tại Kosovo
Hai trẻ em người Serbia đạp xe bên một toán lính gìn giữ hòa bình NATO tại Kosovo

Trong phán quyết đưa ra ngày 22-7, ICJ cho rằng tuyên bố đơn phương độc lập của Kosovo ngày 17-2-2008 là "không vi phạm luật pháp quốc tế". Phán quyết của ICJ chỉ có ý nghĩa tham vấn và không có tính chất ràng buộc pháp lý với bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào.

Dù vậy, phán quyết của ICJ một lần nữa lại xới lên vấn đề từng gây căng thẳng, thậm chí đổ máu không ít tại vùng Balkans vốn đã trải qua những cuộc chiến sắc tộc kéo dài hàng thập kỷ.

Trong khi Mỹ và các nước phương Tây hậu thuẫn cho quyết định của những người Albania chiếm đa số tại Kosovo thì nhiều quốc gia khác lại phản đối quyết liệt. Trong đó nổi bật là Serbia và Nga với khẳng định rằng điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, trong đó có nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Tuyên bố đơn phương độc lập của Kosovo được đưa lên ICJ với trông đợi toà án này sẽ ra một phán quyết sao cho không tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Song đáng tiếc là phán quyết ngày 22-7 của ICJ, dù không mang tính ràng buộc pháp lý, lại đi ngược mong muốn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Phát biểu trước báo giới ngay sau phán quyết của ICJ, Tổng thống Serbia Boris Tadic và Ngoại trưởng Vuk Jeremic khẳng định nước này không bao giờ công nhận Kosovo độc lập. Ông Jeremic cảnh báo toàn bộ những đường biên giới trên thế giới sẽ gặp nguy hiểm khi ICJ ủng hộ "sự ly khai" của Kosovo.

Chiếm hơn 6% số dân của Kosovo, sắc tộc thiểu số Serbia rất có thể sẽ dấy lên một phong trào ly khai khỏi chính quyền Kosovo để trở về với đất mẹ Serbia. Tương tự là người Serbia ở Bosnia và Montenegro cũng có thể đòi ly khai để hợp nhất với Serbia thành một Đại Serbia.

Nhìn rộng ra, bản đồ châu Âu và thế giới trước nguy cơ phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần nếu tiền lệ Kosovo được tái lặp tại xứ Basque của Tây Ban Nha, miền Bắc đảo Cyprus, Bắc Iceland thuộc Liên hiệp Anh, người Kurd ở miền Bắc Iraq, Quebec ở Canada, Kashmir ở Ấn Độ, Aceh tại Indonesia, Minnadao của Philippines... Thế giới sẽ ra sao nếu những phong trào đòi ly khai này cùng bùng phát sau tiền lệ Kosovo?

HOÀNG HÀ