Thương mại Mỹ - Trung Quốc trong khoảng lặng "tâm bão"

ANTD.VN - Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạm lắng dịu sau khi hai bên đạt được thỏa thuận “đình chiến” để nối lại cuộc đàm phán, song việc đi tới một kết quả có thể làm hài lòng cả hai phía là điều không dễ dàng.

Thương mại Mỹ - Trung Quốc trong khoảng lặng "tâm bão" ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã nhất trí đình chiến thương mại để nối lại đàm phán

Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro ngày 2-7 đã tiết lộ diễn biến tích cực trong cuộc đối thoại thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới đây tại Osaka, Nhật Bản. Ông Navarro cho biết, các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước dù còn nhiều khó khăn nhưng “đang đi đúng hướng”.

Việc Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhất trí “đình chiến” thương mại được xem là sự “điều chỉnh” cách thức xử lý tranh chấp thương mại song phương cũng như một bước “nhún” từ cả hai phía. Sự “xuống thang” này đã giúp Mỹ và Trung Quốc không rơi vào cuộc chiến thương mại toàn diện khi Washington áp thuế 25% đối với số hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ trị giá hơn 300 tỷ USD, đồng thời mở ra cánh cửa để hai bên trở lại cuộc đàm phán vốn bị hủy bỏ từ trung tuần tháng 5 vừa qua.

Theo giới quan sát, có hai nguyên nhân chính đã khiến Tổng thống Donald Trump quyết định “đình chiến” thương mại với Trung Quốc dù trước đó ông từng tuyên bố rất mạnh mẽ về việc áp thuế với toàn bộ số hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ chưa phải chịu mức thuế cao 25%. Đầu tiên là Tổng thống Donald Trump không muốn đẩy quan hệ cá nhân với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rơi vào tình trạng quá xấu, điều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới đối thoại giữa nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu thế giới này về rất nhiều các vấn đề toàn cầu và khu vực quan trọng khác.

Nguyên nhân thứ hai, được cho là nguyên nhân chính, là Tổng thống Donald Trump phải giữ cho được sự phát triển ổn định của kinh tế Mỹ khi mà ông sắp bước vào cuộc quyết đấu với các ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai năm 2020. Chiến tranh thương mại với Trung Quốc cho dù Mỹ có giành chiến thắng thì vẫn là cuộc chiến “lưỡng bại câu thương”, ảnh hưởng rất tiêu cực tới nền kinh tế và các doanh nghiệp cũng như người dân Mỹ. Kinh tế Mỹ xấu đi chắc chắn sẽ khiến ông Donald Trump mất nhiều phiếu vào tay ứng cử viên đảng Dân chủ.

Nhìn từ bên kia bờ Thái Bình Dương, căng thẳng thương mại với Mỹ từ hơn 1 năm qua đã tác động tiêu cực tới xuất khẩu và cả nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi xoay chuyển nền kinh tế để thích ứng với thời kỳ đối đầu với Mỹ, Bắc Kinh cần khoảng thời gian dài để chuyển đổi. Vì thế, Trung Quốc không thể không có sự nhân nhượng lớn hơn phía Mỹ như cam kết mở cửa sớm hơn 1 năm trong các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm; cam kết không phá giá đồng nhân dân tệ…

Đàm phán kinh tế Mỹ-Trung đi đúng hướng, song điều đó không có nghĩa là hai bên có thể dễ dàng đi tới đích. Bước xuống thang của hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình mới đây chỉ là giải pháp tình thế, chứ không phải là thay đổi lập trường cơ bản. 

Căng thẳng và đối đầu thương mại thời gian qua về bề nổi là do Trung Quốc xuất siêu quá lớn sang Mỹ, song nhìn về sâu xa là cuộc cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh. Việc Mỹ yêu cầu đưa vào đàm phán các nội dung như tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các công ty nước ngoài, bỏ quy định ép buộc họ chuyển giao công nghệ, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ… được cho nhằm “triệt hạ” yếu tố giúp Trung Quốc vươn lên.

Vì thế, hòa hoãn thương mại Mỹ-Trung hiện nay có thể chỉ là khoảng lặng trong “tâm bão” đối đầu kinh tế và vị thế cường quốc toàn cầu.