"Thuốc thử" mạnh với chủ nhân điện Elysee

ANTD.VN - Cuộc bầu cử Thượng viện Pháp ngày 24-9 được xem là “liều thuốc thử” mạnh với cả uy tín cá nhân và chương trình cải cách mà Tổng thống Emmanuel Macron khởi xướng và dẫn dắt nhằm “hồi sinh nước Pháp”.

"Thuốc thử" mạnh với chủ nhân điện Elysee ảnh 1Người dân Pháp ở Paris biểu tình phản đối cải cách về lao động của Tổng thống Emmanuel Macron

Bầu không khí đua tranh của cuộc bầu cử Thượng viện Pháp ngày 24-9 rất nóng bỏng để tìm ra 171 vị Thượng nghị sĩ mới, chiếm suýt soát một nửa trong tổng số 348 Thượng nghị sỹ có nhiệm kỳ 6 năm. Nóng không chỉ bởi có số lượng ứng cử viên tham gia chạy đua kỷ lục 1.996 người, so với 1.733 ứng cử viên vào năm 2014 và 1.374 vào năm 2011, mà còn bởi sự cạnh tranh quyết liệt của các ứng cử viên thuộc đảng “Nền Cộng hòa tiến bước” (LREM) của Tổng thống Emmanuel Macron với những ứng cử viên của các đảng đối lập khác.

Sự gay cấn của cuộc tranh cử vào Thượng viện Pháp ngày 24-9 có phần khá bất ngờ nếu nhìn vào thế thượng phong vượt trội về uy tín của Tổng thống Emmanuel Macron và đảng LREM đã góp phần quan trọng đưa ông lên đỉnh cao quyền lực mới chỉ hơn 4 tháng trước đây. Ông Emmanuel Macron đã trở thành chủ nhân Điện Elysee trẻ nhất trong lịch sử kể từ thời Napoleon vào đầu tháng 5 vừa qua nhờ vào sự trẻ trung của phong cách cũng như sự tươi mới của những cam kết tranh cử.

Tuy nhiên, vầng hào quang của chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử đã mờ nhạt nhanh chóng khi những chính sách và quyết định của tân Tổng thống Emmanuel Macron đã gây ra nhiều tranh cãi hoặc sự phản đối. Trong đó nổi bật nhất là việc cải cách lao động đụng chạm tới lợi ích thiết thân của hàng chục triệu người.

Phải rất khó khăn vất vả, Tổng thống Emmanuel Macron và đảng LREM của ông mới thông qua được Luật Lao động có hiệu lực từ ngày 25-9-2017 mà theo đó “tước” đi nhiều quyền của người lao động, đồng thời “trao” thêm các quyền cho giới chủ. Bất chấp sự phản đối quyết liệt của người dân, Emmanuel Macron vẫn quyết tâm thông qua cải cách sâu rộng nhằm tự do hóa nền kinh tế cũng như thúc đẩy tăng trưởng và đảo chiều tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 9,5%, gần gấp 2 lần so với các nước là đối thủ cạnh tranh của Pháp ở châu Âu. 

Tổng thống Emmanuel Macron còn “đụng chạm” tới lợi ích khác của người dân khi thực hiện các chính sách thắt chặt chi tiêu ngân sách trung ương cũng như cắt giảm ngân sách cấp cho các địa phương. Thậm chí Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Pháp, tướng Pierre de Villiers đã từ chức hồi tháng 7 vừa qua nhằm phản đối việc cắt giảm ngân sách quốc phòng thái quá khiến ông ta cảm thấy “không thể đảm bảo một lực lượng quốc phòng vững mạnh có thể bảo vệ nước Pháp và người dân Pháp cũng như giữ vững những mục tiêu quốc gia". 

Thế nhưng, bất chấp những phản đối dẫn tới sút giảm uy tín cá nhân và đảng LREM cầm quyền, từ khoảng 64% trong tháng 6 xuống mức khoảng 40% hiện nay, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn quyết theo đuổi những cải cách mạnh bạo để thực hiện điều mà ông cho là “hồi sinh nước Pháp”. Chỉ có điều, việc không chiếm được tỷ lệ chi phối tại Thượng viện Pháp sau cuộc bầu cử ngày 24-9 sẽ tác động rất lớn tới việc thông qua các chương trình cải cách của Emmanuel Macron tại cơ quan lập pháp này.

Bởi thế, kết quả cuộc bầu cử Thượng viện Pháp ngày 24-9 không chỉ là thước đo uy tín với Tổng thống Emmanuel Macron và đảng LREM mà còn là “liều thuốc thử” với nghị trình cải cách đầy tham vong của chủ nhân Điện Elysee để “đưa nước Pháp trở lại”.