Thuốc thử của sự tin cậy

(ANTĐ) - Tổng thống Mỹ B. Obama đã đặt chân tới Matxcơva trong chuyến công du đầu tiên đến Nga. Đây là chuyến thăm mà dư luận cho rằng kết quả không phải là số thỏa thuận ký được, mà là liệu nó có mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ Nga - Mỹ hay không.

Thuốc thử của sự tin cậy

(ANTĐ) - Tổng thống Mỹ B. Obama đã đặt chân tới Matxcơva trong chuyến công du đầu tiên đến Nga. Đây là chuyến thăm mà dư luận cho rằng kết quả không phải là số thỏa thuận ký được, mà là liệu nó có mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ Nga - Mỹ hay không.

Sự đổ vỡ quan hệ giữa Nga - Mỹ dưới thời ông W. Bush gây hậu quả tiêu cực thế nào cho bầu không khí trên thế giới cũng như lợi ích trực tiếp của hai nước thì cả Matxcơva và Washington đều có thể cảm nhận. Cứ nhìn vào lĩnh vực kinh tế là rõ. Năm 2008, dù kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã tăng 35,3% so với năm 2007 nhưng mới dừng ở con số 36,11 tỷ USD, mức rất khiêm tốn so với tiềm lực của hai nền kinh tế thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Mỹ cũng chỉ xếp thứ tám về đầu tư vào Nga với 8,8 tỷ USD.

Quan hệ Nga - Mỹ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải “tái khởi động”, như lời của ông B. Gryzlov, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Thực tế cho thấy hàng loạt vấn đề hệ trọng nhất của thời đại như duy trì chiến lược bình ổn, vấn đề không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, khắc phục các xung đột khu vực... sẽ không thể giải quyết nếu thiếu sự hợp tác Mỹ - Nga.

Tổng thống Nga D.Medvedev tiếp Tổng thống Mỹ B.Obama trong điện Cremli
Tổng thống Nga D.Medvedev
tiếp Tổng thống Mỹ B.Obama trong điện Cremli

Hơn ai hết những người đứng đầu Nhà Trắng và điện Kremli hiểu rõ điều này. Chính vì thế mà tuyên bố trước khi rời Washington đi Matxcơva, ông B.Obama khẳng định: “Tôi đã muốn ấn nút tái điều chỉnh quan hệ với Nga ngay từ ngày đầu bước chân vào Nhà Trắng”. Lời đáp lại của ông chủ điện Kremli D. Medvedev cũng đầy thiện ý: “Tôi thực sự hy vọng với những nỗ lực song phương của chúng ta, quan hệ Nga - Mỹ có thể được nâng lên một tầm cao mới về chất”.

Sự lạc quan trong dư luận càng tăng lên khi ngay trước chuyến thăm, Nga và Mỹ đã có cú đột phá khi thống nhất về một văn kiện thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn 1 (START I). Dự kiến trong tương lai, số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước sẽ giảm xuống còn khoảng 1.500 đơn vị, giảm 4 lần so với con số 6.000 như quy định của START I. Matxcơva cũng chào đón ông B. Obama bằng tuyên bố đầy thiện ý cho phép Mỹ vận chuyển vũ khí qua lãnh thổ nước này, bằng cả đường bộ lẫn đường không, để chi viện cho chiến trường Afghanistan.

Tuy nhiên, sự bình đẳng trong quan hệ Nga - Mỹ không phải được quyết định ở những sự kiện trên. Thuốc thử cho sự tin cậy giữa Matxcơva và Washington nằm ở việc Mỹ có tiếp tục theo đuổi kế hoạch mở rộng khối quân sự NATO sang các nước thuộc Liên Xô và Đông Âu trước đây hay việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ngay sát nước Nga. Đáng tiếc là trong những vấn đề nhạy cảm này, quan điểm của Washington trước chuyến thăm còn chưa rõ ràng. 

Thủ tướng Nga V. Putin đã khẳng định rõ: “Nếu Mỹ kiềm chế triển khai các tổ hợp tên lửa mới, các hệ thống phòng thủ chống tên lửa, đánh giá lại cách tiếp cận của mình trong việc mở rộng khối liên minh quân sự-chính trị, hay nói chung là kiềm chế tư duy theo khối, thì đó sẽ là một bước tiến rất lớn tác động đến quan hệ Nga - Mỹ”.

Muốn thế thì chỉ có một con đường là phải thỏa hiệp, hành động mà người ta đang chờ đợi ở ông B. Obama. Điều không dễ nhưng hiếm có thời điểm nào lý tưởng hơn hiện nay để Nga - Mỹ hàn gắn quan hệ và thu hẹp bất đồng.                      

Hoàng Sơn