"Thùng thuốc súng" trên lằn ranh Ấn Độ - Trung Quốc (2): Cường quốc hạt nhân quyết đấu và cái giá phải trả

ANTD.VN - Việc hai cường quốc hạt nhân là Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu căng thẳng tại thung lũng Galwan khiến dư luận thế giới hết sức lo ngại, bởi cái giá phải trả nếu như chiến tranh bùng nổ là rất lớn. 

"Thùng thuốc súng" trên lằn ranh Ấn Độ - Trung Quốc (2): Cường quốc hạt nhân quyết đấu và cái giá phải trả ảnh 1Binh sĩ Ấn Độ tại khu vực  thung lũng Galwan 

Những đối thủ “kẻ 8 lạng, người nửa cân”

Từ khi khủng hoảng biên giới gia tăng, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng cường lực lượng quân sự, máy bay chiến đấu, trực thăng, pháo, đạn dược… đến khu vực tranh chấp để thể hiện quyết tâm và sự cứng rắn của mình. Điều gì sẽ xảy ra khi đội quân của các cường quốc hạt nhân này đụng độ?

Nhớ lại cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962, khi đụng độ giữa hai bên xảy ra dọc tuyến McMahon, ranh giới được xác định trong hội nghị Simla năm 1914 do Anh tổ chức. Thời điểm đó, Trung Quốc chiếm ưu thế với việc giành được quyền kiểm soát cao nguyên Aksai Chin, buộc Ấn Độ phải đánh giá lại toàn bộ chiến lược phòng thủ biên giới của mình.

Hiện nay, với quy mô nền kinh tế có tổng trị giá 12,2 nghìn tỷ USD, lớn gần gấp 5 lần so với nền kinh tế của Ấn Độ, Trung Quốc có thể nhanh chóng mở rộng hoạt động quân sự. Một lĩnh vực mà Trung Quốc cũng có thể chiếm ưu thế là công nghệ và vũ khí mới.

Truyền thông Trung Quốc gần đây đã cho đăng tải nhiều bài viết và video về các loại vũ khí mới được triển khai tới khu vực Tây Tạng phục vụ tập trận, kể cả xe tăng hạng nhẹ Type 15 và cối 155mm. Cả hai loại vũ khí này trình làng lần đầu tiên trong cuộc diễu binh ở Bắc Kinh mừng ngày quốc khánh Trung Quốc hồi năm ngoái và có thiết kế đặc biệt phù hợp cho chiến đấu ở các vùng cao nguyên.

Tuy nhiên, 58 năm sau, đối thủ Ấn Độ đã thay đổi rất nhiều. Về phương diện quân sự, để bảo đảm cân bằng sức mạnh, New Dehli tìm cách xây dựng quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ hơn với nhiều nước. Kể từ năm 2016, Ấn Độ và Mỹ đã ký hai thỏa thuận quốc phòng mang tính nền tảng, cho phép Ấn Độ tiếp nhận các thiết bị liên lạc quân sự từ Mỹ và trao đổi các thông tin đã được mã hóa trên nền tảng sử dụng chung giữa lực lượng vũ trang Ấn Độ và Mỹ. Với Nga, theo các hợp đồng đã ký, quân đội Ấn Độ hoàn toàn tự chủ trong việc sản xuất các trang thiết bị vũ khí, bao gồm cả xe tăng T-90 và tên lửa Brahmos.

Đặc biệt là kể từ năm 1974, Ấn Độ chính thức gia nhập nhóm các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, chậm hơn 10 năm so với Trung Quốc. Theo số liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIRPI) công bố, Trung Quốc ước tính đang có trong tay gần 320 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn gấp đôi Ấn Độ với 150 đầu đạn hạt nhân. 

"Thùng thuốc súng" trên lằn ranh Ấn Độ - Trung Quốc (2): Cường quốc hạt nhân quyết đấu và cái giá phải trả ảnh 2Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ giáp mặt nhau tại khu vực tranh chấp trên biên giới

Cuộc chiến không có kẻ thắng, người thua

Dù có số lượng đầu đạn hạt nhân nhiều hơn nhưng không thể nói Trung Quốc có ưu thế hơn, bởi nếu để chiến tranh hạt nhân nổ ra thì sẽ không có kẻ thắng, người thua. Trong lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ và Trung Quốc là hai cường quốc lớn của châu Á, có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Số liệu của Bộ thương mại Ấn Độ cho thấy trong năm tài khóa 2018-2019, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Ấn Độ, chỉ đứng sau Mỹ. Hiện nay, Ấn Độ nhập khẩu hàng từ Trung Quốc nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Sinh viên Ấn Độ thì đang “đổ xô” tới các trường đại học của Trung Quốc. 

Trong lĩnh vực công nghệ, trong vòng 10 năm qua, mối gắn kết giữa 2 nền kinh tế này ngày một gia tăng. Hãng Gateway ước tính kể từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã đổ tới 4 tỷ USD vào các hãng khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ. Ví dụ như tập đoàn Alibaba đã đổ tiền cho những startup thương mại điện tử Snapdeal, ví điện tử Paytm hay dịch vụ giao đồ ăn Zomato. Tập đoàn Tencent thì đầu tư cho ứng dụng nhắn tin Hike và ứng dụng gọi xe Ola. Trong khi đó, những hãng smartphone hàng đầu của Trung Quốc đang thống trị tại thị trường Nam Á này. 

Cái giá phải trả về kinh tế nếu như chiến tranh nổ ra buộc hai bên phải thận trọng. Đối với Trung Quốc, xung đột biên giới với Ấn Độ sẽ làm suy giảm năng lực của Trung Quốc trong các tham vọng chiến lược khác, khiến Trung Quốc có thể yếu thế trước Mỹ, nước mà Bắc Kinh coi là đối thủ chủ yếu của mình. Với Ấn Độ, bất ổn sẽ khiến nước này khó lòng thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc có ảnh hưởng trên thế giới. 

Trong bối cảnh đó, giới phân tích quốc phòng và chính trị đều cho rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không muốn mạo hiểm để xung đột leo thang hơn nữa. Trong khi Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết ý định của New Delhi tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, thì tuyên bố chính thức của Trung Quốc cũng tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh “nêu cao hòa bình và tĩnh lặng ở khu vực biên giới”. 

Tất nhiên, việc tìm lối thoát cho xung đột mà không để dư luận cho rằng phải nhượng bộ đối phương là bài toán khó cho cả Bắc Kinh và New Dehli, nhất là khi tâm lý dân tộc đang được đẩy cao. Các cuộc đàm phán chưa mang lại kết quả cuối cùng có lý do từ việc lực lượng của hai bên vẫn chưa rút hết tại thực địa, nhưng cũng có yếu tố bị chi phối bởi tình hình chính trị trong nước.

(Còn tiếp)