Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Mỹ trong lĩnh vực nhân đạo

ANTD.VN - Hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh đang được thúc đẩy mạnh mẽ cùng với những bước tiến dài về quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng song phương.

Việt Nam và Mỹ có nhiều hoạt động hợp tác trong việc rà phá bom mình sót lại sau chiến tranh 

Trong buổi tiếp Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ Jono Anzalone mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên trong đó có việc xây dựng năng lực về ứng phó thiên tai, mong muốn phía Mỹ hỗ trợ hiệu quả và thiết thực cho cộng đồng và phù hợp với nhu cầu của các địa phương liên quan tại Việt Nam. Tại cuộc gặp, hai bên điểm lại những hợp tác nhân đạo giữa hai nước, nhất là giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Mỹ, trong đó có y tế, phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu… 

Được biết, Hội Chữ thập đỏ Mỹ từ năm 2012 tới nay đã triển khai 2 dự án quan trọng nhằm nâng cao năng lực ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thảm họa ở miền Trung Việt Nam và các khu vực rừng núi, châu thổ thường gặp thiên tai. Đến nay, cả hai dự án đều mang lại những kết quả tích cực, góp phần đào tạo và nâng cao năng lực cho hàng chục nghìn cán bộ địa phương, giáo viên và học sinh tại nhiều tỉnh, thành phố, xây dựng được chiến lược, kế hoạch ứng phó thiên tai chi tiết tại nhiều địa phương. 

Từ năm 2004 đến nay, Chương trình Cứu trợ khẩn cấp về phòng chống AIDS của Tổng thống Mỹ (PEPFAR) đã cung cấp 600 triệu USD hỗ trợ cho cuộc chiến chống HIV/AIDS ở Việt Nam; Mỹ cũng đã đóng góp hơn 54 triệu USD để giúp người khuyết tật Việt Nam. Qua các chương trình này, việc điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV đã tiếp cận được hơn 90.000 người tại Việt Nam cũng như cung cấp các dịch vụ và mở rộng cơ hội cho hơn 23.000 người khuyết tật.

Việt Nam và Mỹ đã trải qua một cuộc chiến tranh dài, để lại những hậu quả chiến tranh nặng nề cho cả hai phía, đặc biệt là Việt Nam. Một trong những chương trình hợp tác nhân đạo được ưu tiên cao trong quan hệ giữa hai nước kề từ sau khi kết thúc chiến tranh tới nay là tìm kiếm các quân nhân của nhau mất tích trong chiến tranh.

Sự hợp tác, giúp đỡ trách nhiệm, thiết thực và hiệu quả của Việt Nam trong việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh đã được chính giới và nhân dân Mỹ ghi nhận, đánh giá rất cao. Trong những năm qua, phía Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) tại Hà Nội thực hiện thành công 129 đợt hoạt động hỗn hợp, đơn phương; bàn giao cho Hoa Kỳ gần 1.000 bộ hài cốt, trong đó có hơn 300 bộ hài cốt được Việt Nam đơn phương tìm kiếm.

Phía Mỹ cũng ngày càng hợp tác tích cực hơn với Việt Nam để giải quyết những hậu quả nặng nề do cuộc chiến tranh mà họ để lại, trong đó tập trung vào việc rà phá bom mìn và tẩy độc dioxin. Ước tính, Chính phủ Mỹ và một số nguồn tài trợ khác của Mỹ trong 10 năm qua đã huy động hơn 200 triệu USD cho hoạt động giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

Sau khi hoàn thành việc tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng với nguồn tài trợ hơn 40 triệu USD của Mỹ, Việt Nam và Mỹ đang bàn về hợp tác tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa, nơi có mức độ và quy mô ô nhiễm cao gấp nhiều lần sân bay Đà Nẵng với kinh phí lên tới hàng trăm triệu USD và mất hơn 10 năm để có thể cơ bản làm sạch khu vực này. Mỹ cũng đã hỗ trợ hàng chục triệu USD để rà phá bom mìn còn sót lại ở Việt Nam sau chiến tranh.

Tuy phía Mỹ ngày càng tỏ ra tích cực hơn với Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo, song hậu quả chiến tranh với đất nước và người dân Việt Nam vẫn còn vô cùng nặng nề khi có tới khoảng 5 triệu người Việt Nam (3 thế hệ) đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin hay ước tính còn từ 10-30% trong tổng số 14 triệu tấn bom, mìn Mỹ ném xuống Việt Nam còn chưa nổ… Bởi vậy, Mỹ cần có trách nhiệm hơn nữa, tích cực hơn nữa trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề nhân đạo sau chiến tranh.