Thua ở Syria, Mỹ quyết chặn Nga ở châu Âu

ANTĐ - Một bản báo cáo mật của NATO cho thấy, lực lượng quân sự của Nga ở Syria đã có hiệu quả tác chiến vượt trội so với Liên minh quân sự hơn 60 nước, do Mỹ lãnh đạo. 

Tạp chí Đức Focus dẫn nguồn từ bản báo cáo phân tích mật của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cho biết, tuy khối này đã điều đến Syria nhiều máy bay hơn hẳn so với Moscow, nhưng chiến dịch của Nga đạt hiệu quả cao hơn nhiều, nhờ kỹ năng tuyệt giỏi của phi công và sức mạnh của các thiết bị quân sự.

Bản báo cáo này cho thấy, 40 chiến đấu cơ của Nga bố trí tại Latakia thực hiện đến 75 chuyến bay xuất kích trong một ngày đêm, mỗi lần đều giáng đòn tấn công chính xác và hiệu quả vào các cứ điểm của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.

Trong khi đó, lực lượng NATO có tổng cộng tới 180 máy bay chiến đấu, nhưng số lượt xuất kích chỉ bằng một phần của Nga, mỗi ngày chỉ phá hủy được khoảng 20 mục tiêu - một kết quả quá nghèo nàn khi so với con số máy bay gấp hơn 4 lần.

Ngoài ra, Nga cũng sử dụng tại Syria những phương tiện chiến đấu sở hữu kỹ thuật quân sự hiện đại nhất, ví dụ như Moscow đã phái đến Latakia bốn chiếc Su-35, mà theo đánh giá của giới chuyên viên, hiện là loại tiêm kích vượt trội phần lớn các máy bay do phương Tây sản xuất.

Các nhà phân tích của Liên minh Mỹ cũng thừa nhận rằng chính hoạt động của Nga chứ không phải của Mỹ đã khiến IS đứng trước nguy cơ thảm bại. Và thế giới đang nhận thức rằng, vũ khí Nga đang là “người chơi chính” ở Syria, lấn át các trang bị của Mỹ-NATO.

Nhận định này của các chuyên gia NATO được đưa ra trong bối cảnh mới đây Bộ Tư lệnh lực lượng vũ trang Hoa Kỳ tại châu Âu (EUCOM) đã tuyên bố, trong chiến lược đổi mới của mình ở khu vực này, nhiệm vụ chủ yếu của của EUCOM là "kiềm chế sự hiếu chiến của Nga".

Kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine và việc Moscow can thiệp quân sự vào Syria, quan hệ Nga-Mỹ và NATO đã trở nên vô cùng xấu

Tài liệu mô tả Nga là một “mối đe dọa chủ chốt”, xuất phát từ nguyên nhân Moscow đã "thiếu tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng châu Âu", mở rộng quy mô lực lượng ở Bắc Cực, cũng như thực hiện một số hành động vượt quá khuôn khổ các mối đe dọa thông thường.

Văn kiện của EUCOM nhận định rằng, sự trỗi dậy về mặt quân sự của Nga đang đưa ra thách thức nghiêm trọng với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ ở nhiều khu vực khác nhau, đây là nguy cơ mang tính toàn cầu, nên đòi hỏi họ cũng phải có những phản ứng toàn cầu.

Rõ ràng, chiến lược mới của EUCOM, được soạn thảo cuối tháng 1-2016 vừa qua có sự thay đổi đáng kể so với chiến lược cũ được hoạch định vào năm 2012. Trong chiến lược trước đó, Nga còn được xem như là một “đối tác tiềm năng”, và Mỹ-NATO có thể xây dựng "mối quan hệ thân thiện" với Nga.

Rõ ràng là cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine tháng 2-2014 và việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình một tháng sau, đã dẫn đến việc quan hệ 2 bên xấu đi rõ rệt, khiến Mỹ và châu Âu ban hành lệnh trừng phạt Nga về tất cả các lĩnh vực quân sự, kinh tế, ngoại giao.

Cuộc nội chiến ở Ukraine vừa tạm lắng với hy vọng hòa bình từ thỏa thuận Minsk 2, được ký kết hồi tháng 2-2015, thì sau đó, việc Moscow can thiệp quân sự vào Syria ngày 30-9-2015, đã lấy đi tất cả các nỗ lực hàn gắn của cả 2 bên, kể từ sau cuộc “Chiến tranh 5 ngày” với Gruzia năm 2008.