Thủ tướng Đức doạ trừng phạt Nga nếu thoả thuận Minsk đổ vỡ

ANTĐ - Nga sẽ phải đối mặt với một lệnh trừng phạt mới từ EU nếu thoả thuận Minsk nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine thất bại, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo. 

Cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều khẳng định rằng, lệnh trừng phạt chống Nga đều sẽ được gỡ bỏ nếu thoả thuận Minsk thành công. Tuy nhiên, lãnh đạo nước Đức cảnh báo rằng: “EU sẽ để ngỏ khả năng, nếu những điều khoản mới không được tuân thủ nghiêm ngặt, chúng tôi sẽ buộc phải thực hiện các pháp mạnh mẽ hơn”.

Nga sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt mới nếu thoả thuận Minsk không thể thành công

Chủ tịch EU cũng nhắc lại lời cảnh báo của bà Merkel, cho rằng khối đồng minh sẽ “không do dự thực hiện các bước đi cần thiết” nếu thoả thuận mới đạt được thất bại.

Lãnh đạo các nước Nga, Pháp, Đức và Ukraine đã đi đến một thoả thuận ngừng bắn vào hôm 12-2 sau cuộc họp kéo dài hơn 16 giờ đồng hồ ở Minsk. Lệnh ngừng bắn sẽ chính thức đi vào hiệu lực từ 00:00 ngày 15-2, ngoài ra, các bên cũng sẽ phải tiến hành tráo đổi tù nhân và chấp nhận rút mọi vũ khí khỏi chiến trường.

Mặc dù cụm từ “lệnh ngừng bắn” đã được ghi trong thoả thuận và kí bởi đại diện của phe li khai, Kiev, Moscow và OSCE, tuy nhiên, các lãnh đạo cao nhất của mỗi quốc gia chưa hề kí vào biên bản trên mà mới chỉ đưa ra một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết.

Cuộc gặp vừa qua tại Minsk diễn ra do tình hình Ukraine bỗng nhiên căng thẳng trở lại vào những tuần đầu của năm 2015. Phe li khai và quân đội chính phủ Ukraine đều tấn công và đổ lỗi cho nhau trong việc phá vỡ thoả thuận Minsk đầu tiên, được thống nhất vào tháng 9-2014. Thoả thuận Minsk mới nhìn chung vẫn được dựa theo thoả thuận cũ, tuy nhiên, có bổ sung thêm thời gian biểu cụ thể cho từng hoạt động và những gợi ý mới được đưa ra bởi lãnh đạo Nga, Ukraine, Pháp và Đức.


Bảng so sánh 2 thoả thuận Minsk:

Thoả thuận Minsk 9-2014

Thoả thuận Minsk 2-2015

Ngừng bắn

Không có thời gian cụ thể

Bắt đầu từ 00:00 ngày 15-2

Rút các vũ khí hạng nặng

Không có thời gian cụ thể, vùng đệm kéo dài 30 km được thiết lập

Vùng đệm kéo dài từ 50 đến 140 km, bắt đầu rút vũ khí từ ngày 16-2 và hoàn thành trong 2 tuần

Rút binh lính

Mỗi bên rút binh lính khỏi đường phân định ranh giới hiện tại

Quân đội Ukraine rút khỏi đường ranh giới hiện tại và lực lượng li khai phải trao trả lại những khu vực đã chiếm được sau ngày 19-9-2014

Kiểm soát biên giới Nga-Ukraine

OSCE chịu trách nhiệm giám sát và vùng an ninh được thành lập ở mỗi bờ biên giới.

Ukraine sẽ có quyền kiểm soát biên giới Nga-Ukraine chỉ khi tình hình chính trị ở Donetsk và Lugansk ổn định, muộn nhất vào cuối năm 2015.

Trao trả tù nhân

Diễn ra ngay lập tức

Diễn ra trong 5 ngày sau khi các bên rút hết binh lính

Trợ giúp kinh tế cho vùng Donetsk và Lugansk

Cung cấp hỗ trợ nhân đạo để khu vực Donbass bình ổn lại hoạt động kinh tế (không có thời gian biểu cụ thể)

Cung cấp hỗ trợ nhân đạo, phục hồi lại quan hệ kinh tế với vùng Donetsk và Lugansk bao gồm phúc lợi xã hội và dịch vụ ngân hàng. Chính phủ Ukraine phải giúp vùng Donetsk và Lugansk phát triển hợp tác với Nga.