Thủ phủ tái chế rác thải điện tử lớn nhất Ấn Độ

ANTĐ - Thành phố Moradabad, bang Uttar Pradesh đang nổi lên như một thủ phủ về chất thải điện tử của Ấn Độ. Nơi đây xử lý 50% số bo mạch điện tử cũ của cả nước, nhưng lại tạo ra tới 9 tấn chất thải nguy hại hàng ngày. Với sự tham gia của 50.000 lao động, không có gì đáng ngạc nhiên khi nguy cơ ô nhiễm môi trường và những ảnh hưởng độc hại cho sức khỏe con người đã lên đến mức báo động.

Thủ phủ tái chế rác thải điện tử lớn nhất Ấn Độ ảnh 1Rác thải điện tử ở Moradabad được xử lý thủ công và gây nguy hại cho môi trường

Nghệ nhân kim hoàn chuyển nghề tái chế rác

Từ màn hình máy tính, CPU, điều khiển từ xa, tivi, điện thoại di động, bàn phím máy tính đến các thiết bị nhà bếp điện tử đều chất đống ở mọi ngóc ngách của Mansoori, Karula peetal Nagri, Nawabpura, Asalatpura và gần khu vực Jama Masjid của thành phố cổ Moradabad. Bất chấp lệnh cấm tái chế rác thải điện tử, các đại lý phế liệu từ New Delhi, Mumbai, Kolkata, Chennai và Bangalore ùn ùn đổ về đây.

Từ sớm đến khuya, mỗi ngày ông Shanawaz - một nghệ nhân kim hoàn cùng gia đình mình ở khu vực Jama Masjid đều cặm cụi dùng búa tháo dỡ các thiết bị và bo mạch chủ để trích xuất đồng, bạc và vàng. Mỗi ngày họ kiếm được khoảng 400 rupee (khoảng 7 USD). “Những bo mạch này là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình tôi”, ông Shanawaz nói. Suy thoái kinh tế và nhu cầu về các sản phẩm bằng đồng thau giảm buộc những người làm nghề kim hoàn ở Moradabad như ông Shanawaz phải chuyển sang nghề tái chế rác thải điện tử độc hại để kiếm kế sinh nhai. 

Các cư dân ở Mughalpura vẫn nhớ sự cố một ngày Chủ nhật cuối tháng 10 năm ngoái, nhiều người chạy vội ra khỏi nhà trong tình trạng ho và nghẹt thở do khói cuồn cuộn nhấn chìm cả khu vực. “Mọi người hoảng loạn, ho sặc sụa và mắt thì đỏ sọc. Người bệnh và phụ nữ mang thai được sơ tán ra khỏi nhà trong khi một số phải nhập viện”, ông Noman Mansoori, Chủ tịch Hội thủ công truyền thống ở đây cho biết. Cảnh sát địa phương đã mở cuộc truy kích, rà soát từng nhà và bắt quả tang nhiều người buôn bán chất thải điện tử bất hợp pháp, thu giữ hàng tấn phế thải.

Đáng nói là, quy trình tái chế nguy hiểm ở chỗ người ta thường phải ngâm các bo mạch chủ và các thiết bị điện tử cũ vào thùng axit để thu hồi những mẩu vàng, bạc nhỏ li ti. Sau đó phế liệu tiếp tục được đưa cho dân lao động tại các khu ổ chuột khai thác các mẩu kim loại bằng đồng còn sót lại. Quá trình đốt cháy đồ điện tử để lấy kim loại đã tạo ra mối nguy hại cho môi trường, đặc biệt là môi trường không khí và môi trường nước. 60% lao động của thành phố tham gia vào việc kinh doanh tái chế đồ điện tử bất hợp pháp thường xuyên hít những khí độc hại đó. Chưa kể, dung dịch axit còn bị thải thẳng ra sông hồ xung quanh.

Báo động nguy hại về sức khỏe

Nghiên cứu mới nhất do Trung tâm khoa học và môi trường (CSE) của Ấn Độ công bố hồi tháng 9-2015 cho thấy, tình hình tái chế chất thải điện tử Moradabad đang ở mức báo động.

Vì không có tiêu chuẩn để nghiên cứu ô nhiễm kim loại nặng trong đất ở Ấn Độ, CSE so sánh kết quả với tiêu chuẩn của Canada và Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (USEPA). Theo đó, họ phát hiện rằng, nồng độ kẽm ở Moradabad gấp hơn 15 lần so với 2 quốc gia trên. Hàm lượng đồng cao gấp 5 lần trong 5 mẫu đất khác nhau thu thập gần sông Ramganga, một nhánh quan trọng của sông Hằng. Hàm lượng thủy ngân và asen gấp từ 1,5 - 2 lần so với tiêu chuẩn ở Canada, trong khi hai chất này đều có thể dẫn đến ngộ độc mãn tính, đặc biệt thủy ngân là chất độc thần kinh nổi tiếng. 

Các chuyên gia cũng phân tích rằng, việc xét nghiệm để phát hiện ngộ độc các kim loại nặng nói trên thường rất tốn kém nên người lao động hầu như không ai có tiền đi khám. Do đó, họ cũng chẳng biết sau một thời gian dài làm nghề tái chế, liệu mình có bị nhiễm kim loại nặng hay không. Bác sỹ Shadab Ali, người điều hành một phòng khám tư nhân ở Guhiyabagh cho biết, mỗi tháng ở đây có khoảng 15 - 20 người chết vì các bệnh liên quan đến phổi. Ngoài ra còn có một sự gia tăng đáng báo động trong các trường hợp lao phổi, viêm phế quản, ung thư…

Thực tế, chính quyền bang Uttar Pradesh đã ra lệnh cấm hoàn toàn việc tái chế rác thải điện tử ở Moradabad, Ghaziabad và Hapur từ năm ngoái. Trong năm 2014, cảnh sát khu vực Mughalpura và Nagfani đã xử lý hơn 50 vụ vi phạm, trong đó hơn 100 người phạm tội đã bị phạt tù. Tuy nhiên, tình hình không mấy chuyển biến do người dân còn bất chấp luật pháp vì nhu cầu mưu sinh cũng như sự vào cuộc chưa quyết liệt ở chính quyền cơ sở. Và vì thế, hậu quả của các hóa chất độc hại sẽ còn tiếp tục phát tác lên môi trường và sức khỏe con người.