Thông điệp ngầm khi nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc

ANTD.VN - Ngày 8-1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng phái đoàn cấp cao Chính phủ Triều Tiên đã tới Thủ đô Bắc Kinh bằng tàu hỏa trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng phu nhân tại sân ga Bình Nhưỡng khởi hành tới Trung Quốc

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc và Triều Tiên xác nhận, trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un Kim Jong-un sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đây là chuyến thăm thứ 4 của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc, sau 3 chuyến công du nước này hồi năm ngoái và đúng vào dịp sinh nhật 35 tuổi của ông. 3 chuyến công du trước diễn ra ngay trước và sau các cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên  với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Kết quả của các cuộc gặp thượng đỉnh này là việc Bình Nhưỡng hứa phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên kế hoạch cụ thể cho mục tiêu này vẫn chưa rõ rệt.

Trong thời gian ở thăm Trung Quốc lần này, ông Kim được cho là sẽ đề cập đến việc tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên, vốn bị đình trệ do Washington hoài nghi về ý định của Bình Nhưỡng trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump mới đây nói rằng ông sẽ gặp lại ông Kim trong “tương lai không quá xa” sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi thư cho Tổng thống Mỹ cho biết Bình Nhưỡng “luôn sẵn sàng” đạt được thỏa thuận với Washington.

Giới quan sát nhận định chuyến thăm này của ông Kim Jong-un là một bước chuẩn bị quan trọng cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai có thể diễn ra trong thời gian tới với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chuyến thăm cũng có thể là một thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi tới Mỹ vào thời điểm quan trọng, rằng Bình Nhưỡng vẫn duy trì mối quan hệ gắn bó có từ lâu đời với Bắc Kinh và sẽ luôn nhận được sự ủng hộ của đồng minh quan trọng này.

“Ông Kim muốn nhắc nhở chính quyền của Tổng thống Trump rằng ông còn có những lựa chọn về ngoại giao và kinh tế khác ngoài những thứ Washington và Seoul có thể đưa ra”, Harry Kazianis, chuyên gia tại Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ ở Washington nhận định, “Trong thực tế, tuyên bố về “con đường khác” trong diễn văn năm mới của ông Kim có thể là lời đe dọa ngầm về việc xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Điều đó đáng để Mỹ lo ngại”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 8-1 bác bỏ thông tin cho rằng, Bắc Kinh tìm cách sử dụng mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, như “át chủ bài” trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Mỹ tại Bắc Kinh. “Lập trường của chúng tôi về căng thẳng thương mại với Mỹ, là công khai và minh bạch. Do đó, tôi tin rằng chúng tôi không cần sử dụng bất kỳ kênh nào khác để truyền tải một số thông tin đến Mỹ. Mỹ nhận thức rõ về lập trường của chúng tôi”, ông Lục Khảng nói.