Thỏa thuận hạt nhân Iran - Người mừng kẻ lo

ANTĐ - Thỏa thuận hạt nhân toàn diện mà Iran và các cường quốc thế giới vừa đạt được tại Vienna (Áo) hôm 14-7 được đánh giá có ý nghĩa lịch sử. Hiện có những đánh giá khác nhau về thỏa thuận này, có thể khái quát thành 2 nửa đối lập nhau là mừng và lo.
Thỏa thuận hạt nhân Iran - Người mừng kẻ lo ảnh 1

Lộ trình của lòng tin và những kỳ vọng

Để có được thỏa thuận toàn diện cuối cùng tại Vienna, các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran đã kéo dài hơn một thập kỷ qua. Năm 2002, lần đầu tiên thế giới được biết về chương trình hạt nhân bí mật của Iran khi tình báo phương Tây và phe đối lập lưu vong Iran tiết lộ thông tin về một cơ sở hạt nhân ở thành phố Natanz. Tiến trình đàm phán kéo dài hơn một thập kỷ qua có nhiều thăng trầm, nhưng nổi bật hơn cả chính là nỗ lực xây dựng lòng tin.

Đó là lòng tin lẫn nhau giữa các bên tham gia đàm phán và lòng tin chung vào sự thành công của tiến trình này. Giờ đây, một thỏa thuận toàn diện đã đạt được và lộ trình thực thi thỏa thuận này thậm chí còn cần tới lòng tin hơn bao giờ hết. Bất kỳ bên nào tỏ ra hoài nghi, một thỏa thuận trên giấy sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ và gây ra những hậu quả khôn lường.

Ngay sau khi Iran và Nhóm P5+1 tuyên bố đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện, đa số các quốc gia trên thế giới đã lên tiếng hoan nghênh và đưa ra những bình luận tích cực.

Những từ ngữ đầy lạc quan như “chân trời”, “hy vọng” cùng tính từ “mới” được nhắc tới nhiều lần. Nhiều quốc gia đã thẳng thắn đề cập tới những kỳ vọng về cơ hội kinh tế mà thỏa thuận hạt nhân Iran mang đến. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngay lập tức tuyên bố sẽ tới thăm Iran trong thời gian tới để đánh giá tiềm năng hợp tác kinh doanh giữa hai nước. Dù phủ nhận yếu tố lợi ích kinh tế trong quyết định của Pháp với tư cách là một bên tham gia đàm phán, ông Fabius cũng không úp mở khi nói rằng các công ty của Pháp coi Iran là một thị trường tiềm năng.

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz thì cho rằng thỏa thuận dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy hạn chế chương trình hạt nhân của Iran sẽ khai thông cho dòng đầu tư vào nhà nước Hồi giáo này. Còn Cố vấn An ninh quốc gia Pakistan, nước có chung đường biên giới phía Tây với Iran, cũng hoan nghênh và hy vọng thỏa thuận sẽ “bật đèn xanh” cho dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Iran đến Pakistan vốn bị Washington áp lệnh cấm. Một quốc gia khác ở châu Á là Hàn Quốc cũng coi thỏa thuận vừa đạt được “là một tin tốt lành”. Một khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì Iran có thể trở thành một vùng đất đầy cơ hội cho các công ty của Hàn Quốc. Các tập đoàn xây dựng, sản xuất ô tô, năng lượng…của Hàn Quốc đang tỏ ra rất sốt sắng chờ đợi cánh cửa Iran mở ra.

Ai bi quan?

Một trong những nước phản ứng dữ dội nhất về thỏa thuận hạt nhân Iran chính là Israel. Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu cũng gọi đây là “sai lầm tồi tệ trong lịch sử”. Ông Netanyahu, người vốn luôn có những lời lẽ gay gắt để phản đối một thỏa thuận hạt nhân với Iran, cáo buộc các cường quốc đặt cược tương lai của Israel trong một thỏa thuận với quốc gia mà Israel cho là tài trợ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Nội các Israel đã nhất trí bác bỏ thỏa thuận hạt nhân của các cường quốc với Iran, đồng thời khẳng định rằng Tel Aviv không có ràng buộc nào đối với thỏa thuận này.

Giới lãnh đạo đã nhiều lần bảy tỏ lo ngại rằng một thỏa thuận hạt nhân “tồi” sẽ không thể ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Không những thế, nhờ được dỡ bỏ trừng phạt Iran sẽ có nguồn tài chính dồi dào (ước tính Iran sắp được tiếp cận các tài sản trị giá lên tới 150 tỷ USD bị phong tỏa trước đây) để rót cho bộ máy chiến tranh nhằm vào Israel và những nước khác trong khu vực. Một mối lo khác của Israel là khi Mỹ đã rảnh tay với vấn đề Iran thì sẽ tập trung trở lại với vấn đề xung đột Israel - Palestine và rất có thể sẽ gây áp lực buộc Israel phải nhượng bộ với người Palestine.

Giới phân tích cũng nêu ra kịch bản thỏa thuận hạt nhân Iran có thể tác động tiêu cực tới tình hình Trung Đông. Một trong những lo ngại lớn nhất là nguy cơ thỏa thuận này sẽ kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, bởi các đối thủ của Iran tại vùng Vịnh và nhiều nơi khác không tin Tehran sẵn sàng từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nên nhớ, năm 2009, cố Quốc vương Saudi Arabia Abdullah từng cảnh báo Mỹ: Nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, chúng tôi cũng sẽ có vũ khí hạt nhân”. Bên cạnh đó, Saudi Arabia do lo ngại vai trò nổi lên của Iran sẽ tiếp tục những nỗ lực xây dựng liên minh để kiềm chế ảnh hưởng của Tehran. Riyadh sẽ tăng cường cuộc chiến chống lại các lực lượng bị quy là ủy nhiệm của Iran tại các nước như Syria và Yemen và khiến tình hình khu vực thêm phức tạp.