Thổ Nhĩ Kỳ đang trong một "mớ bòng bong hỗn độn"

ANTĐ -Đó là lời nhận định của các chuyên gia phân tích. Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm giữa phân cực chính trị-xã hội, kinh tế sụt giảm, và leo thang căng thẳng ở cả trong và ngoài nước.

Không giống như bất ổn chính trị-kinh tế trong những năm 1970 và 1990, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn là kết quả của xung đột giữa chính sách đối nội-đối ngoại thực dụng của nước này, và mưu đồ thâu tóm toàn bộ quyền lực vào tay Tổng thống Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ đang trong một "mớ bòng bong hỗn độn" ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Davutoglu

Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng ở Ankara được thể hiện qua một số yếu tố cụ thể dưới đây:

Thứ nhất, tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị và xã hội của đất nước cũng như tất cả các cơ quan nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đang chìm trong khủng hoảng.

Thứ hai, nhận thức của công chúng về tương lai mờ mịt đang gia tăng. Mọi người nhận ra rằng, mô hình phát triển xã hội-chính trị hiện tại không ổn.

Thứ ba, vấn đề người Kurd thời gian gần đây đã bước vào giai đoạn mới, và tình hình ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ có thể được mô tả như một cuộc chiến tranh nóng giữa chính quyền Ankara và các lực lượng người Kurd.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với các vấn đề của người Kurd trong hơn 30 năm qua. Theo ước tính, có đến 15-20 triệu người Kurd sinh sống ở quốc gia này, và chiếm đến 15% dân số nước này.

Xét theo quan điểm chính trị, người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ có thể được chia thành ba nhóm: những người ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK); người Kurd Alawite ủng hộ quan điểm cánh tả và dân chủ xã hội; người Kurd bảo thủ tôn giáo (chiếm tới 50%) - những người trong năm 2000 tuyên bố trung thành với đảng Công lý và Phát triển của ông Erdogan.

Sự hỗ trợ của phần lớn người Kurd bảo thủ dành cho Đảng Công lý và Phát triển có lợi rất nhiều cho Ankara. Vì vậy, đa số người Kurd bảo thủ đã được tích hợp vào hệ thống xã hội và chính trị của đất nước. Nhưng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn sau khi nội chiến Syria bắt đầu, và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) xuất hiện.

Sau khi Ankara từ chối giúp thị trấn Kobane của người Kurd tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ bị phiến quân IS vây khốn, đa số người Kurd bảo thủ từ bỏ lòng trung thành của họ đối với Erdogan và đảng của ông ta. Họ thậm chí còn thất vọng hơn sau khi đối thoại giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd bị đình chỉ.

Một yếu tố quan trọng gây bất ổn cho Ankara là đường biên giới lỏng lẻo với Syria dài 822 cây số. Những phần tử cực đoan từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ để chữa trị thương tích mà còn tiến hành tấn công khủng bố, phá hoại an ninh quốc gia của nước này.

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong một “mớ bòng bong hỗn độn”, chưa tìm được lối thoát, họ phải lựa chọn giữa một nước cộng hòa do “siêu Tổng thống” Erdogan cai trị, và một quốc gia tự do dân chủ giống như một quốc gia Châu Âu.

Tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào ban lãnh đạo của nước này. Theo hiến pháp, người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là Thủ tướng Ahmet Davutoglu. Nhưng trên thực tế, quyền lực được tập trung trong tay Tổng thống Erdogan.