“Thợ lặn” thùng rác

ANTĐ - Trong khi hàng triệu người Mỹ đang phải trầy trật để kiếm đủ nguồn thực phẩm mỗi ngày cho gia đình, thì lại có một nghịch lý là khoảng một nửa nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm của nước này nằm trong các khu chôn lấp rác mỗi năm. Và nghịch lý này đã sinh ra một đội ngũ được gọi là những “Thợ lặn thùng rác”.

Gần một nửa lượng thực phẩm của Mỹ bị vứt bỏ lãng phí

tại các bãi chôn lấp rác mỗi năm

Những "thợ lặn" chuyên nghiệp

Khi bóng tối bắt đầu bao phủ, đằng sau một cửa hàng tạp hóa không đọc rõ tên biển hiệu, Kaitlyn Tokay, 21 tuổi thực hiện “nhiệm vụ” của mình. Bật đèn pin từ chiếc iPhone, Kaitlyn soi vào chiếc thùng rác bằng kim loại lớn và lục lọi, tìm kiếm pho mát, thịt hay bất cứ thứ gì cô thấy còn dùng được.

Đi nhặt thực phẩm thừa là một phần công việc hàng ngày của cô. Cô có một nhóm bạn là những “thợ lặn thùng rác” - chuyên đi nhặt những thức ăn thừa bị bỏ đi làm nguồn thức ăn cho mình. Trở thành “thợ lặn” từ năm 2010, 95-100% số thức ăn hàng ngày của cô là từ các thùng rác. “Nó giúp tôi tiết kiệm được kha khá” - Kaitlyn nói.

Số thực phẩm mà Kaitlyn “đi lặn” được sau một đêm nhiều đến mức đáng ngạc nhiên: rất nhiều chất hữu cơ, những thứ có giá trị như hộp sữa trứng hiệu Naked, túi hành tây thái hạt lựu, bí đã xắt miếng, ớt đỏ và rất nhiều salat. Kaitlyn cho biết số thực phẩm cô lấy được trị giá khoảng từ 300-500 USD.

Liệu những loại thức ăn này có gì khác lạ và có ảnh hưởng đến sức khỏe? “Lần đầu tiên chế biến những đồ ăn được lấy từ thùng rác, tôi nghĩ chúng có thể có mùi, nhưng không phải như thế. Tôi đã mời một số người bạn ăn cùng và không nói với họ về nguồn gốc số thực phẩm này, và họ không hề phát hiện điều gì khác thường” - Kaitlyn nói. Cho đến nay, Kaitlyn chưa bao giờ gặp vấn đề gì về sức khỏe khi cô ăn những món ăn này và cô cho biết sẽ tiếp tục làm “thợ lặn”. Thậm chí, trên blog cá nhân, cô thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và sẵn sàng hướng dẫn những ai muốn gia nhập vào đội ngũ “thợ lặn”.

Anh chàng nhạc sĩ Gio

Andollo cũng là một “thợ lặn thùng rác” chuyên nghiệp. Thay vì trả tiền mua các loại thực phẩm, anh lục tung các thùng rác trên khắp các đường phố của thành phố New York - nơi mà hàng tấn thức ăn thừa được vứt đi mỗi đêm - để có những bữa ăn cho mình. Anh lựa chọn những mẫu bánh mì trong những thùng rác trước các cửa hàng sang trọng hay những loại rau đầy đủ vitamin cần thiết tại các thùng rác siêu thị. “Thậm chí còn có cả thức ăn nóng. Nhiều khi mở túi rác, tôi thấy cả cam, táo, củ cải và một số loại rau xanh. Những đồ ăn này hoàn toàn sử dụng được. Nếu không dùng, nó sẽ lại nằm lãng phí ở  một bãi rác nào đó” - anh Gio Andollo nói: “Nếu tôi cần phải cắt giảm chi phí, điều đầu tiên sẽ là thực phẩm”.

Trong khi có tới khoảng 40 triệu người Mỹ phải vật lộn để có cái ăn mỗi ngày thì hàng triệu bữa ăn đang bị ném đi lãng phí. Những “thợ lặn” như Kaitlyn và Gio Andollo cho biết, họ trở thành “thợ lặn” không hẳn là vì tiền.

Một buổi đi “lặn”

Ước tính khoảng 30-50% lượng thực phẩm của Mỹ bị vứt bỏ lãng phí tại các bãi chôn lấp rác mỗi năm, kéo theo chi phí xử lý hàng năm lên tới hơn 1 tỉ USD. Bộ phim tài liệu mang tên “Lặn” của nhà làm phim Jeremy Seifert và các đồng nghiệp được thực hiện tại những thùng rác và hang cùng ngõ hẻm ở thành phố Los Angeles đã làm rõ một nghịch lý, trong khi giá lương thực không ngừng tăng cao, thì vẫn có một lượng thức ăn lớn bị bỏ phí.

Trong căn hộ nhỏ ở Highland Park, có một nhóm cùng nhau tụ tập. Họ đang chuẩn bị bắt tay vào nhiệm vụ ở những nơi mà hầu hết chúng ta không bao giờ đụng tới. Nhưng trước tiên, họ cùng nhau thưởng thức một bữa ăn nóng. Tất cả đồ ăn trên bàn này đều được nhặt từ các thùng rác. Họ đang ăn một bữa tiệc thịnh soạn từ những thực phẩm đã bị vứt bỏ trong các thùng rác. Sau bữa tiệc này, đêm nay, Eric và Miche - hai “thợ lặn” chuyên nghiệp cùng nhóm của mình đã mời một vài người bạn và những người khác cùng tham gia một buổi “đi lặn”.

23h30, họ bắt đầu xuất phát. Một số “thợ lặn” đi xe đạp, một số người đi ô tô. Họ không muốn tiết lộ cửa hàng mà họ đến. Khoảng 1h sáng, các “thợ lặn” đến một địa điểm mà Eric và Michel đã từng đến trước đó. Họ nói rằng nơi này thường rất “may mắn”. Và đúng vậy, rất nhiều chuối, một ít khoai tây, nho, rau bina và một cuộn giấy to gói thực phẩm. Eric cho biết, họ có thể thu được hai thùng đầy thực phẩm. Không chỉ có rau quả, họ còn thu được cả pho mát và thịt - những  thứ đắt tiền, chất lượng hảo hạng.

Đến 2h sáng. Các “thợ lặn” khác đã tới chỗ hẹn với nhóm của Eric với những chiếc hộp đầy thực phẩm. Một “thợ lặn” vui mừng vì thu hoạch được cả một hộp trứng. Chỉ có 2 quả trong hộp bị vỡ, vẫn còn 18 quả lành lặn còn hạn sử dụng. Một “thợ lặn” khác tìm được cả gói thịt bò hun khói, có giá 23,4 USD. Hôm nay là một đêm đi lặn thành công, họ thu nhặt được rất nhiều thực phẩm.

Donna Fazzari, một “thợ lặn” cho biết, những “thợ lặn thùng rác” này đều có khả năng mua thức ăn. Nhưng vấn đề đối với họ không phải là tiền. Họ làm điều đó là vì thấy lượng thực phẩm bị vứt bỏ quá lãng phí. Nếu không thu nhặt, chúng sẽ được đưa tới các bãi tiêu hủy. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, lãng phí thực phẩm còn góp phần tăng tác hại môi sinh. Rác thực phẩm sẽ bị phân hủy và sản sinh methane - khí gây hiệu ứng nhà kính.

Nhà làm phim Jeremy Seifert chia sẻ: “Khi bạn nhặt lại những loại thực phẩm vẫn còn dùng được ra khỏi thùng rác, giúp chúng không phải đưa đến những bãi chôn lấp rồi chế biến thành thức ăn, bạn đã thực sự thay đổi cách nhìn về sự lãng phí thực phẩm và nạn đói.