Thị trường săn lùng kim loại hiếm cobalt trong kỷ nguyên công nghệ mới

ANTD.VN - Nhu cầu đang gia tăng toàn cầu về xe cộ thân thiện với môi trường đã đẩy giá Cobalt (Cô-ban) - một kim loại hiếm, thành phần chính của một số lĩnh vực công nghệ cao và xe điện - tăng vọt. Nhưng đi kèm với đó là “tác dụng phụ” không mong muốn: Tình trạng lao động trẻ em ở châu Phi cũng như các vụ trộm cắp có vũ trang ở châu Âu liên quan đến cobalt cũng tăng nhanh.

Các mỏ khai thác cobalt trên thế giới hiện chủ yếu tập trung ở Cộng hòa Dân chủ Congo

“Ẵm gọn” 10 triệu USD

Vào một ngày cuối tuần tháng 7 oi nóng tại Rotterdam (Hà Lan) năm ngoái, một nhóm đàn ông xuất hiện trên chiếc xe tải tại một kho ngoại quan nằm trong một khu công nghiệp ngổn ngang cần cẩu, container hàng hóa, khu bãi nằm dọc theo bờ cảng lớn nhất của châu Âu.

Sau khi đã mã hóa khóa cửa để vào được cổng chính của kho, bọn họ đi vào bên trong và đầu tiên tìm đến đơn vị an ninh của tòa nhà, vô hiệu hóa hệ thống báo động và nhanh chóng tháo bộ phận ghi dữ liệu từ camera an ninh đặt tại các cửa ra vào và cửa sổ.

Không còn bị theo dõi nữa, nhóm người này đi đến phía sau nhà kho và cắt ổ khóa trên cánh cửa trượt của nó, để lộ hàng trăm chiếc trống màu cam và màu xanh xếp chồng lên nhau trên các ván gỗ đóng hàng. Tất cả đều được nhồi đầy thứ mà những người đàn ông muốn tìm: cobalt. Đó là thứ kim loại mà trước đây không mấy ai để ý tới nhưng từ khi nổ ra cuộc cách mạng xe điện, nó đã trở thành một mặt hàng được săn lùng với biệt danh là “vàng xanh”.

5 hoặc 6 tiếng sau, những chiếc ván pallet cuối cùng được xếp lên xe tải của họ. Nhóm trộm gọn gàng cuỗm đi 112 tấn cobalt, trị giá khoảng 10 triệu USD. Vụ trộm đến sáng thứ hai mới bị phát hiện và cảnh sát Hà Lan mất nhiều tháng xác minh, điều tra nhưng vẫn không bắt được ai hay thu hồi được chút gì từ lô hàng hóa bị đánh cắp đó.

Nhu cầu từ cuộc cách mạng xe điện

Cobalt, tên gọi bắt nguồn từ kobold hay “goblin” trong tiếng Đức, xuất phát từ các tính chất mới lạ của nó và nguồn cung tương đối ít. Nó là một nguyên tố không xảy ra ở dạng “tự do”, mà thu được trong quá trình khai thác đồng hoặc niken và cần được loại bỏ tạp chất bằng cách sử dụng axit và nhiệt.

Trong hàng trăm năm, nó đã được sử dụng để mang đến một màu xanh đặc biệt cho thủy tinh hoặc gốm sứ, nhưng trong thế kỷ 20, các nhà khoa học đã phát hiện ra nó có những đặc tính quan trọng đối với các công nghệ tiên tiến nhất của con người hiện nay. Kết hợp với các kim loại khác, nó tạo ra các hợp kim cực kỳ mạnh, ổn định dưới nhiệt độ cao và chống ăn mòn có thể sử dụng trong động cơ máy bay, tên lửa, nhà máy điện hạt nhân, tua bin và dụng cụ cắt.

“Nếu một thứ gì đó có giá trị thì ắt nó sẽ trở thành mục tiêu mà tội phạm nhòm ngó. Ví dụ, khi giá đồng tăng cao, người ta đã ăn cắp nắp hố ga và đào dây cáp điện lên khỏi mặt đất, thậm chí phải bỏ mạng khi làm điều đó. Với cobalt hiện nay cũng vậy. Vì tiền, người ta sẽ làm những điều phi thường nhất”.

David Weight (Chủ tịch của Viện Cobalt có trụ sở tại Anh)

Nhưng trên hết, cobalt còn có đặc tính độc đáo đó là giúp cho pin lithium-ion trong điện thoại di động và xe điện không quá nóng hay bốc cháy. Hơn 50% nhu cầu cobalt hiện đang được sử dụng cho pin. Cả Liên minh EU và Mỹ đều coi đây là nguyên liệu thô quan trọng.

Cobalt đã trở thành mối quan tâm đặc biệt đối với tội phạm có tổ chức kể từ khi giá của nó tăng vọt 250% trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2018 (từ khoảng 26.000 USD/tấn đến hơn 90.000 USD) do nhu cầu của các nhà sản xuất ô tô điện như Tesla, Volvo, Ford và Volkswagen cũng như các nhà sản xuất điện thoại thông minh.

Khi lĩnh vực xe điện phát triển, các nhà sản xuất trên toàn thế giới dự kiến sẽ đầu tư 300 tỷ USD trong vài năm tới để tạo ra 35 triệu ô tô điện và xe tải vào năm 2030. Theo dự đoán của một nhà đầu tư cobalt Mỹ, một làn sóng nhu cầu về đồng, niken, liti và cô-ban sắp xảy ra mà hầu như từ nhà khai thác, giới đầu tư hay chủ ngân hàng đều không thể dự đoán hay lên kế hoạch trước được. Bởi vậy, các chuyên gia tin rằng cobalt sẽ tăng giá trở lại và khiến nó trở nên hấp dẫn hơn nữa đối với giới tội phạm.

Bài toán lao động trẻ em

Tuy nhiên, vai trò quan trọng của cobalt đối với ắc quy trong ô tô điện dẫn đến thực tế nó không chỉ tạo ra sự chú ý không mong muốn đối với  bọn tội phạm, mà còn thúc đẩy cuộc khủng hoảng nhân quyền liên quan đến lao động trẻ em ở một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới ở châu Phi.

Khoảng 70% nguồn cung cấp cobalt trên thế giới đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), nơi trải qua hàng thập kỷ chiến tranh, tham nhũng và bất ổn. Nguồn tài nguyên cobalt của đất nước này được ví như dầu mỏ đối với Saudi Arabia và ngân hàng thương mại toàn cầu Goldman Sachs đã gọi cobalt là “loại xăng mới”.

Mỗi ngày hàng chục nghìn người Congo, bao gồm cả trẻ em 4 tuổi, khai thác trái phép cobalt thủ công. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính rằng khoảng 40.000 trẻ em làm việc tại các mỏ trên khắp miền Nam DRC, bò qua các mỏ sâu hơn 100m thu nhặt các phụ phẩm bị loại bỏ từ những tảng đá chứa cobalt chỉ để kiếm được số tiền ít ỏi mỗi ngày. Truyền thông thế giới cũng đã lên án về cái giá phải trả cho thứ nguyên liệu mới nổi này. Một tiêu đề trên một tờ báo của Anh viết: “Những đứa trẻ 4 tuổi sống như cảnh địa ngục để bạn có thể lái một chiếc xe điện”.

Mỗi năm, hàng trăm thợ khai thác cobalt thiệt mạng hoặc sức khỏe của họ bị tổn hại nghiêm trọng. Gần đây nhất, vụ sập hầm mỏ hồi tháng 6 năm nay đã giết hại hơn 40 người làm ở một mỏ bất hợp pháp tại tỉnh Lualaba, phía Đông Nam Congo. Chưa kể tình trạng ngạt thở do thiếu khí và các bệnh như bệnh hô hấp cobalt phổi, viêm phổi có thể gây tổn thương vĩnh viễn hoặc tử vong cho họ. 

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã cam kết cấm bán xe chạy bằng xăng và dầu diesel mới từ năm 2025 đến 2040, người ta càng lo ngại hàng nghìn trẻ em Congo sẽ bị hút vào vòng xoáy này. Các cảnh báo về thiệt hại như vậy đã buộc các công ty như Apple, Tesla, Volkswagen và Volvo phải cố gắng tìm cách để đảm bảo rằng kim loại họ mua không phải là sản phẩm từ lao động trẻ em. Một giải pháp được đề ra là sử dụng công nghệ blockchain, công nghệ mã hóa đứng sau các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Khó kiểm soát “chợ đen”

Những tảng đá chứa cobalt mà bọn trẻ châu Phi tìm thấy được bán với giá rẻ cho các thương nhân, chủ yếu là người môi giới Trung Quốc, sau đó, bọn họ đưa cobalt về nước rồi xóa dấu vết. Chúng được nung nấu trước khi tham gia chuỗi cung ứng mới, đáp ứng nhu cầu của các công ty đa quốc gia và kích thích sự nhòm ngó của các băng đảng tội phạm có tổ chức ở châu Âu.

Đơn cử, một vụ cướp cobalt khác xảy ra vào năm 2012 tại bờ biển Antwerp của Bỉ. 3 container cobalt đã được chuyển đến một nhà kho tại cảng Antwerp. Khi những người lái xe tải đến lấy hàng, họ phát hiện ra rằng 2 container đã bị “rút ruột”, kẻ trộm đã một lần nữa lấy được mã truy cập được sử dụng để giao hàng.

Các chuyên gia tin rằng, các băng đảng tội phạm có tổ chức đứng đằng sau các vụ trộm này, bởi chúng không chỉ biết rõ bến cảng mà còn có kiến thức sâu rộng về cobalt và hiểu thị trường của nó. Theo ông George Heppel, nhà phân tích cao cấp về cobalt tại tập đoàn CRU có trụ sở tại London, đây không phải là một loại hàng hóa thông thường như nhiều người nghĩ, nó cần có tầng lớp trung gian am hiểu về cách tuồn ra thị trường.

Vì vậy, điều gì xảy ra với cobalt bị đánh cắp? Về cơ bản, chúng rất khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng pin. “Tôi đoán là nó có thể được bán vào phế liệu hợp kim để sử dụng trong các siêu hợp kim, thép đặc biệt hoặc các công cụ bằng kim cương. Nhiều khả năng đó là một động cơ phản lực hơn là điện thoại thông minh”, ông Heppel nói.

Nhưng dù đường đi ngoắt ngoéo thế nào, những kim loại khan hiếm và có giá trị như cobalt đang phát triển mạnh. Jan Struijs, Chủ tịch của liên minh cảnh sát Hà Lan và là cựu trưởng nhóm điều tra tội phạm ở Rotterdam, nói với hãng tin Bloomberg rằng vụ cướp kho hàng ở đó chỉ đơn giản là “đỉnh của tảng băng trôi”.