Thị trường "ngầm" ở Mỹ mua bán khẩu trang thời đại dịch Covid

ANTD.VN - Hàng loạt quan chức chính quyền tiểu bang, giám đốc bệnh viện lẫn nhà môi giới thiết bị y tế ở Mỹ đều phải thừa nhận rằng, họ đã rất vất vả tìm mua khẩu trang nhưng không ít lần bị lừa. Ít ai ngờ rằng, thị trường “ngầm” mua bán khẩu trang lại phức tạp và đầy cạm bẫy như vậy.

Thời buổi kinh doanh lạ lùng

Alexis Wong, một thương nhân có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, cô chưa bao giờ phải đối mặt với việc kinh doanh “lạ lùng” như kinh doanh khẩu trang trong đại dịch Covid-19 này. “Người mua không có tiền và người bán cũng không có sản phẩm, không thể hiểu nổi” - Wong nói.

Khi virus lây lan qua các vùng của Trung Quốc vào tháng 1-2020, Alexis Wong đã tìm kiếm khắp Hồng Kông mặt hàng khẩu trang cho trẻ em nhưng không thấy, tuy nhiên cô lại nhìn thấy một cơ hội kinh doanh tiềm năng. Alexis Wong đã làm việc tại thị trường bất động sản cao cấp ở San Francisco hơn 10 năm qua và ra mắt một công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại châu Á. Cô hiểu rất rõ các thủ tục làm ăn ở cả 2 bên bờ Thái Bình Dương, nhưng có lẽ chưa bao giờ thấy công việc kinh doanh lại tệ như buôn bán khẩu trang mùa đại dịch.

Nữ doanh nhân này cho biết, các tiểu bang và bệnh viện của Mỹ đã gặp phải rất nhiều khó khăn, thậm chí đầy trò gian lận, lừa đảo khi họ tìm kiếm các lô hàng khẩu trang tương đối nhỏ. Để đảm bảo hợp đồng diễn ra thông suốt, Alexis Wong tìm người mua có bằng chứng về tiền và người bán có bằng chứng về sản phẩm. Tiền được chuyển vào các tài khoản ký quỹ, còn sản phẩm nhìn trực tiếp hoặc qua video. Đó là điều bình thường trong thương mại quốc tế, nhưng điều bất thường là trong tất cả các đối tác tiềm năng mà cô đã tiếp xúc thì chưa đầy 20% là thật. Cô thường xuyên phát hiện ra sự giả mạo tinh vi của các tài liệu tài chính hay các video minh họa về khẩu trang, ngay cả việc ký quỹ cũng cần sự tỉnh táo. Có khách còn gửi báo cáo tài chính giả từ các ngân hàng Chase và PNC với số dư từ hàng trăm triệu đến 3 tỷ USD.

Thực tế, các nhà điều tra liên bang Mỹ đã lật tẩy nhiều đối tượng lừa bán khẩu trang. Hôm 10-4 tại Atlanta, chính quyền liên bang đã bắt giữ và buộc tội Christopher Parris, một doanh nhân 39 tuổi, sau khi anh ta đề nghị bán cho Bộ Cựu chiến binh 125 triệu khẩu trang N95. Đặc vụ liên bang theo dõi vụ này cho biết, hành tung của vị doanh nhân rất đáng ngờ và hàng hóa rao bán không tồn tại.

Thị trường "ngầm" ở Mỹ mua bán khẩu trang thời đại dịch Covid ảnh 1Nhiều lần Thống đốc bang Kentucky ông Andy Beshear phải đề nghị quyên góp thiết bị bảo hộ cá nhân vì quá thiếu

“Thổi giá” mạnh nhưng hàng chẳng thấy đâu

Andy Beshear - Thống đốc bang Kentucky chỉ mới nhậm chức được vài tháng thì đại dịch Covid-19 quét qua. Mỗi ngày, ông Beshear lại tổ chức họp báo vào lúc 17h, đôi khi kêu gọi quyên góp thiết bị bảo hộ cá nhân. Thiếu khẩu trang là một trong những thách thức khó khăn nhất của ông trong đại dịch, mặc dù hiện tại bang này đã mở rộng đáng kể chương trình xét nghiệm. Thống đốc Kentucky cho biết, đôi khi ông đã phải cạnh tranh với chính phủ liên bang. Có lần, một công ty thông báo cho các trợ lý của Thống đốc rằng, Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang (FEMA) đã chuyển hướng lô hàng N95 của Kentucky sang một trong những điểm nóng hơn. “Tôi không thể tranh cãi về điều đó, nhưng nó đã tăng thêm thách thức cho chúng tôi. Các bệnh viện của chúng tôi đang đảm bảo có đủ khẩu trang, nhưng các viện dưỡng lão thì khó. Cái giá mà người Mỹ phải trả rất lớn, mặc dù đây là một đại dịch cả trăm năm mới xảy ra”.

Những nơi khác cũng gặp tình cảnh tương tự. Andrew Hime, một lãnh đạo hạt Anne Arundel ở bang Maryland cho biết, do thị trường khan hiếm, ông buộc phải chuyển sang thị trường nước ngoài - một nhiệm vụ xa lạ đối với một quan chức địa phương. “Có những người chúng tôi chưa từng giao dịch trước đó và chúng tôi phải trả gấp 5 lần giá bình thường. Tuy nhiên, họ vẫn dối trá khi cam đoan rằng chúng tôi sẽ nhận được hàng đúng hạn” - ông nói.

Trước cuộc khủng hoảng, khẩu trang N95 chất lượng hàng đầu được giao dịch với giá khoảng 1 USD/chiếc, nhưng những ngày đó không còn nữa vì nhu cầu toàn cầu đã vượt quá cung. Andrew Hime cho biết, ông nhận được rất nhiều lời chào mời, nhưng giá ngày càng đắt đỏ. Đơn cử, hãng Vanguard Pharma có trụ sở tại Ontario đề nghị bán khẩu trang N95 với giá 6,3 USD/chiếc vào giữa tháng 4. Nhà sản xuất khẩu trang y tế hàng đầu của Mỹ có tên 3M cho biết, họ không tăng giá dù dịch bệnh, tuy nhiên các công ty bán lẻ bán giá cao hơn nhiều so với giá niêm yết của 3M. 

Ngay cả “đại gia” như California cũng bị vướng mắc trong vấn đề mua khẩu trang. Tuần trước, lãnh đạo tiểu bang này đã bị Ủy ban Giám sát của Quốc hội bang California chất vấn về quyết định mua 100 triệu khẩu trang N95 vào tháng 3 từ nhà cung cấp Blue Flame Medical. Các nhà lập pháp muốn biết lý do tại sao tiểu bang ký hợp đồng mua số lượng lớn khẩu trang như vậy với một công ty không có hồ sơ theo dõi. Họ đã dừng hợp đồng và được hoàn tiền ngay lập tức sau khi nhận được cảnh báo từ ngân hàng về Blue Flame. Hồi đầu tháng 5 này, tiểu bang Maryland cũng đã chấm dứt hợp đồng với Blue Flame khi họ không giao được hợp đồng trị giá 12,5 triệu USD cho khẩu trang và các thiết bị khác.

Một luật sư của Blue Flame cho biết, công ty đã hành động một cách thiện chí trong các giao dịch với California, Maryland và các khách hàng khác. Tóm lại, ở mọi cấp độ, các quan chức Mỹ đã phải tìm cách lọc ra kẻ gian, kẻ lừa đảo và những kẻ bất tài lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19.

Thị trường "ngầm" ở Mỹ mua bán khẩu trang thời đại dịch Covid ảnh 2Lô hàng thiết bị bảo hộ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) về tới sân bay Los Angeles (Mỹ) hôm 7-5

Mệnh lệnh hành chính không khả thi

Vào giữa tháng 3-2020, lực lượng đặc nhiệm của Nhà Trắng do Jared Kushner, con rể và cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump, cùng các nhân viên tình nguyện bắt đầu kiểm tra các nhà cung cấp tiềm năng để nhập khẩu khẩu trang từ nước ngoài. Tuy nhiên, thời điểm đó đã quá muộn để Mỹ thực hiện một bước đi lớn. 

Ông Christopher Kirchhoff, cựu Giám đốc hoạch định chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, cho rằng, có 2 cách để đảm bảo Mỹ có đủ nguồn cung cấp quan trọng để xử lý khủng hoảng: “Sử dụng thị trường tự do hoặc sử dụng các cơ quan liên bang có nhiệm vụ tìm nguồn và phân bổ các nguồn lực khan hiếm trong trường hợp khẩn cấp”. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã không phát huy hết sức mạnh quyền lực của mình để yêu cầu các nhà máy và chuỗi cung ứng phải bảo đảm các thiết bị quan trọng, trong đó có khẩu trang như một sắc lệnh thời chiến.

Trong khi đó, các quốc gia khác có chiến lược quốc gia riêng về điều này. Chỉ riêng chính phủ Pháp đã mua 2 tỷ khẩu trang, bao gồm 400 triệu chiếc N95. Trong một cuộc phỏng vấn, bà Kieke Okma - một cựu quan chức y tế Hà Lan nói rằng, do hệ thống y tế tập trung nên các nước châu Âu, bao gồm cả Hà Lan đã có sẵn các hệ thống thu mua, phân phối hàng loạt thiết bị y tế cho các bệnh viện. 

Tại Canada, sự thiếu hụt khẩu trang N95 phần lớn đã được giải quyết. Các nhà ngoại giao và tư vấn Canada ở Bắc Kinh, Thượng Hải, đã kết nối với các nhà sản xuất Trung Quốc, sau đó họ thuê kho ở Trung Quốc để tập kết hàng. Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã yêu cầu 2 hãng hàng không lớn thiết lập cầu hàng không nhanh chóng đưa hàng về nước. Một khi hàng về tới nơi, thiết bị y tế được phân phát tới những nơi cần kíp nhất.

Theo ông Christopher Kirchhoff, chính quyền của Tổng thống Trump đã bỏ lỡ cơ hội để giảm bớt sự lúng túng trong huy động nguồn lực chống Covid-19 bằng hành động sớm. “Phản ứng của chính quyền dẫn đến sự hỗn loạn, chính là vì nó không huy động được bộ máy liên bang mà chỉ có mệnh lệnh hành chính” - ông Kirchhoff nói.

Tổng thống Donald Trump đã không phát huy hết sức mạnh quyền lực của mình để yêu cầu các nhà máy và chuỗi cung ứng phải bảo đảm các thiết bị quan trọng, trong đó có khẩu trang, như một sắc lệnh thời chiến. “Phản ứng của chính quyền dẫn đến sự hỗn loạn, chính là vì nó không huy động được bộ máy liên bang mà chỉ có mệnh lệnh hành chính” 

Christopher Kirchhoff, Cựu chiến lược gia Nhà Trắng