Thêm một nạn nhân của tin tặc Trung Quốc

ANTD.VN - Lại thêm một nạn nhân của tin tặc Trung Quốc, lần này là Hội đồng nghiên cứu quốc gia Canada - cơ quan trực thuộc Chính phủ liên bang với nhiệm vụ tài trợ các hoạt động nghiên cứu nhằm đảm bảo thịnh vượng cho người dân Canada.

Trụ sở của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Canada tại Ottawa

Theo các tài liệu mới được công bố, hồi năm 2014, các tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Canada. Mặc dù báo cáo không cho biết số liệu thiệt hại cụ thể nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng trong vụ này, Canada đã thiệt hại hàng trăm triệu đô la Canada (CAD). 

Trước đó, giới chức Canada thường không đề cập đến quy mô và bản chất của các vụ đánh cắp dữ liệu, cũng như không nêu đích danh các chính phủ đứng sau những cáo buộc xâm nhập mạng. Tuy nhiên năm 2014, Chính phủ bảo thủ khi đó của Thủ tướng S. Harper đã phá vỡ sự im lặng này khi công khai tuyên bố các tin tặc Trung Quốc được nhà nước bảo trợ đã tiến hành xâm nhập vào cơ quan của Canada. 

Kể từ khi lên nắm quyền tháng 11-2015, Chính phủ của Thủ tướng J. Trudeau muốn theo đuổi kế hoạch đàm phán thỏa thuận không gian mạng với Trung Quốc. Vấn đề khá nghiêm trọng bởi theo một cơ quan tình báo Canada, số vụ tấn công tin tặc nhằm vào các ngành “môi trường, năng lượng và tài nguyên” bằng với tất cả các ngành khác cộng lại, cho thấy mức độ nhạy cảm và quan trọng của việc bảo vệ các ngành kinh tế xương sống này của Canada.

Vụ việc của Canada một lần nữa cho thấy quy mô cũng như tính chất nghiêm trọng của các vụ tấn công mạng mà tin tặc Trung Quốc tiến hành. Mùa đông năm 2009, 2 tin tặc Trung Quốc gửi một số email kèm mã độc đầu tiên đến hãng sản xuất máy bay khổng lồ Boeing của Mỹ.

Các nhân viên tại đây, như thường lệ vẫn mở thư mà không hề nghi ngờ, truy cập vào các liên kết để tải về tệp tin đính kèm. Phần mềm độc hại nhanh chóng bị cài vào máy, lấy đi nhiều tài liệu mật, trong đó có cả các kế hoạch sản xuất máy bay cho mục đích quân sự của Boeing, Bộ Quốc phòng Mỹ và Lầu Năm Góc.

Kể từ lần đầu tiên đó, tin tặc Trung Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân là bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem quyền tự chủ công nghệ là quan trọng đối với an ninh kinh tế và quốc gia. Vậy nên, bên cạnh tự phát triển, họ còn “đi tắt” bằng các hoạt động đánh cắp sở hữu trí tuệ, phát minh từ các quốc gia khác. Tất nhiên, chính phủ nước này chưa bao giờ thừa nhận mình đi đánh cắp của người khác.

So với các quốc gia khác, Trung Quốc có lượng tin tặc hoạt động hết công suất và đeo bám rất dai dẳng mục tiêu. Cuối năm 2015, Trung Quốc đã hợp nhất Đơn vị tác chiến mạng và Bộ phận tình báo thành Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, tạo nên một đội quân không gian mạng mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ. Nước này cũng tăng 30% ngân sách cho bộ phận tình báo mạng.

Danh sách các nạn nhân của tin tặc Trung Quốc cũng dài thêm. Thỉnh thoảng báo chí quốc tế lại rộ lên vụ một cá nhân hay một nhóm người Trung Quốc làm việc hay định cư ở một nước nào đó, nhiều nhất vẫn là Mỹ, bị phát hiện đánh cắp thông tin bí mật quốc gia hay doanh nghiệp. Điển hình nhất là vụ Giám đốc Cơ quan quản lý nhân sự Mỹ (OPM) K. Archuleta phải từ chức sau khi máy chủ của cơ quan này bị tin tặc (được cho là của Trung Quốc) tấn công và đánh cắp thông tin hàng triệu nhân viên chính phủ Mỹ.

Trở lại với vụ các tin tặc Trung Quốc xâm nhập vào hệ thống máy tính của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Canada. Các thông tin mới nhất cho biết chỉ riêng chi phí lấp lỗ hổng và khắc phục mạng lưới máy tính của Hội đồng trên đã lên tới 30 triệu CAD riêng trong năm đầu tiên.