Thế giới mong chờ bước đi đột phá để phi hạt nhân hóa Triều Tiên

ANTD.VN - Việc Bình Nhưỡng ngỏ ý cho phép kiểm chứng việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon nếu Washington “có những bước đi phù hợp” được xem có thể tạo ra bước đột phá trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Thế giới mong chờ bước đi đột phá để phi hạt nhân hóa Triều Tiên ảnh 1Hình ảnh Triều Tiên công bố việc phá hủy một bộ phận làm mát tại cơ sở hạt nhân Yongbyon trước đây

Một nguồn tin ngoại giao cấp cao từ Seoul ngày 27-11 cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý cho phép các thanh sát viên quốc tế đến cơ sở hạt nhân Yongbyon. Nguồn tin cho biết thêm, điều này đã được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp hồi tháng 9 vừa qua khi nêu rõ nhà lãnh đạo này không chỉ sẵn sàng đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon mà còn cho phép công tác xác minh. Thông điệp quan trọng này đã được ông Moon Jae-in đích thân chuyển tới Tổng thống Mỹ Donald Trump khi hai ông gặp nhau ở New York diễn ra sau đó không lâu.

Đề nghị chứa đựng sự nhân nhượng lớn của ông Kim Jong-un có thể tạo ra sự đột phá trên tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Bởi việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un chấp nhận để bên ngoài vào xác minh việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon, một khu phức hợp hạt nhân chính của Triều Tiên, đã đáp ứng yêu cầu quan trọng nhất mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên là “chấm dứt một cách không thể đảo ngược và có kiểm chứng” chương trình hạt nhân.

Gần nửa năm trước, trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lịch sử tại Singapore, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cùng cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên, chấm dứt tình trạng chiến tranh và bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, cam kết không chỉ được hai quốc gia mà cả thế giới mong chờ đó vẫn chưa biến thành thành kết quả quan trọng trên thực tế bởi sự nghi kỵ từ cả hai phía, dù rằng đã có những động thái rất tích cực.

Triều Tiên từ đó tới nay đã không tiến hành bất cứ một cuộc thử hạt nhân hay tên lửa nào, thậm chí còn tháo dỡ các cơ sở quan trọng tại bãi thử tên lửa Sohae đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của nước này. Đáp lại, Mỹ cũng đã ngừng cuộc tập trận thường niên quy mô lớn với Hàn Quốc.

Thế nhưng, điều then chốt nhất là hai bên vẫn chưa tiến được bao xa trong vấn đề chấm dứt chương trình hạt nhân đi đôi với nới lỏng bao vây cấm vận, đàm phán về việc chấm dứt tình trạng chiến tranh tồn tại suốt từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 tới nay. Lý do chính mà Washington đưa ra là họ vẫn chưa thể “kiểm chứng” về việc Triều Tiên đã tiến hành chấm dứt chương trình hạt nhân một cách “không thể đảo ngược và có kiểm chứng”, trong khi Bình Nhưỡng muốn gắn những việc này với những bước đi tương ứng từ phía Mỹ là nới lỏng cấm vận và đàm phán chấm dứt tình trạng chiến tranh.

Thông điệp thể hiện sự nhượng bộ then chốt của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chuyển tới Tổng thống Mỹ Donald Trump hơn 2 tháng, song Washington và Bình Nhưỡng vẫn chưa có thêm động thái đáng kể nào trong việc bắt tay vào thực thi cam kết của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đầu tháng 6-2018.

Điều đó cho thấy Washington đang muốn tiếp tục gây áp lực để buộc Bình Nhưỡng phải đi trước trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, chứ không có chuyện “đối đẳng” trong thực hiện cam kết thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngỏ ý cho phép kiểm chứng việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon là sự nhân nhượng lớn, song điều đó vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của Washington. 

Liệu Bình Nhưỡng có chấp nhận lùi thêm bước nữa, đi trước một bước, tự phi hạt nhân hóa để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận, chấm dứt chiến tranh và bình thường hóa quan hệ với Washington?