Thế giới đã từng kiểm soát các đại dịch trước đây như thế nào?

ANTD.VN - Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) hiện nay vẫn đang khiến nhiều quốc gia lo ngại bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Nhưng đây không phải lần đầu tiên thế giới trải qua 1 đại dịch như vậy và nhân loại đã từng có nhiều cách để kiểm soát dịch bệnh khi chúng bùng phát.

Báo cáo tình hình thường xuyên

Việc theo dõi, cập nhật số liệu dịch bệnh tại các quốc gia và thông báo lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu được áp dụng vào năm 2003, khi đại dịch SARS bùng phát.

Cụ thể, giữa tháng 11-2002, dịch SARS bùng phát ở Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên, Trung Quốc khi ấy đã không lường trước được mức độ nguy hiểm và đã giữ kín thông tin về dịch bệnh lạ trong suốt 1 tháng. Điều này đã gây ảnh hưởng vô cùng lớn tới việc kiểm soát dịch bệnh, bởi quốc gia này đã bỏ qua thời cơ “vàng” có thể khống chế sự lây lan của SARS. Sau đó, dịch SARS đã nhanh chóng lây lan ra nhiều quốc gia trên thế giới với tốc độ nhanh chóng với 8.422 trường hợp và 916 ca tử vong. Trong đó, Trung Quốc và Hồng Kông đã phải trả giá nặng nhất khi số người thiệt mạng lần lượt là 349 và 299.

Để đối phó với sự lây lan của dịch SARS, kể từ tháng 3-2003, ngay sau khi xác định dịch bệnh mới đang lây lan, Bộ Y tế những nước bị ảnh hưởng đã cùng nhau thành lập các nhóm đặc trách ứng phó với dịch từ cấp Trung ương tới địa phương. Điều này giúp họ có thể nắm rõ tình hình dịch bệnh để tiện điều phối, giám sát và trao đổi thông tin. Bản thân Trung Quốc cũng là một nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch SARS. Ngày 23-4-2003, chính phủ nước này phải thành lập Trung tâm chỉ huy phòng chống và kiểm soát SARS như một nỗ lực trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trên toàn quốc.

Đặc biệt, các quốc gia phát hiện dịch đều phải điều chỉnh luật, đưa SARS vào mục bắt buộc phải khai báo. Theo đó, mỗi bệnh viện cần thường xuyên kiểm tra, khai báo lên Trung ương số ca bệnh, tình hình bệnh nhân rồi từ đó báo cáo lên WHO. Tới cuối tháng 3-2003, nhiều quốc gia đã tích cực thực hiện việc này, trong đó có Việt Nam, Canada, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan. Thậm chí, dù sau 1 ngày không có thêm ca bệnh, các nước cũng cần liên tục thông báo để thuận tiện theo dõi tình hình diễn biến dịch. Cách làm này sau đó đã được áp dụng để kiểm soát các dịch bệnh lây lan toàn cầu, trong đó có Covid-19.

Trước những khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế các nước, người dân tại nhiều quốc gia đã chủ động phòng tránh lây nhiễm bệnh bằng việc sử dụng khẩu trang

Đưa ra cảnh báo toàn cầu

Trước mức độ lây lan vô cùng nhanh chóng của Covid-19, WHO đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC). Theo đó, việc ban bố nhằm thông báo về “một bệnh dịch lây lan bất thường, gây rủi ro sức khỏe cộng đồng và cần có phản ứng quốc tế để phối hợp xử lý”. Cách làm này chỉ được áp dụng đối với những dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuyên bố PHEIC sẽ được WHO thông báo kèm theo các khuyến nghị cho các quốc gia và vùng lãnh thổ để có thể chủ động đối phó, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan qua biên giới. Bên cạnh đó, PHEIC cũng kêu gọi các nước phối hợp hỗ trợ về nhân lực, cơ sở vật chất và nhiều thứ khác giúp WHO kiểm soát đại dịch. Có thể thấy rõ hiệu quả của cách làm này khiến tất cả các quốc gia, dù có dịch hay không, nâng cao cảnh giác và chủ động hơn trong việc phòng chống lây lan dịch bệnh. Nó đã góp phần làm tăng hiệu quả công tác kiểm soát từ đầu. 

Tính tới nay, đã có 6 lần WHO từng phải đưa ra các “báo động đỏ” như vậy. Lần đầu tiên là vào năm 2009, khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát. Khi ấy, cúm A/H1N1 cũng từng lây lan nhanh chóng, chỉ sau 2 tháng từ khi công bố dịch, virus H1N1 đã lan ra 74 quốc gia và vùng lãnh thổ với số ca nhiễm bệnh lên tới 28.774, trong đó có ít nhất 144 trường hợp tử vong. Có thể thấy, sau sự bùng phát của đại dịch SARS, WHO đã có sự thay đổi và chủ động hơn trong việc xử lý dịch bệnh toàn cầu.

Đội ngũ y bác sĩ được trang bị đồ bảo hộ, điều trị cho bệnh nhân ở khu vực cách ly của bệnh viện để phòng chống lây lan virus

Chủ động phát hiện và phòng bệnh

Việc chủ động phát hiện bệnh cũng là một bước vô cùng quan trọng trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Sau nhiều đại dịch như SARS, H1N1, Ebola và hiện nay là Covid-19, các quốc gia trên thế giới đã triển khai nhiều cách thức khác nhau để phát hiện sớm biểu hiện của bệnh. Trong đó, việc quan trọng là cần công cố các biểu hiện của bệnh, tiến hành chẩn đoán sớm và chủ động cách ly những người có biểu hiện nhiễm bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế các nước cũng thường xuyên cung cấp thông tin dịch bệnh, cách nhận biết biểu hiện bệnh tới người dân để họ có thể chủ động phòng tránh và tới đi khám kịp thời.

Cơ quan chức năng cũng nhanh chóng xác định, khoanh vùng những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân để tiện theo dõi, kiểm soát sự lây lan. Cách làm này được áp dụng tại Việt Nam trong dịch Covid-19 và đem lại hiệu quả tốt, giúp Việt Nam chủ động hơn khi đối phó dịch cũng như hạn chế tối đa sự lây lan ra cộng đồng. Tính đến nay, số ca nhiễm bệnh tại Việt Nam đang dừng ở con số 16 và được kiểm soát rất ổn định. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch, người dân vẫn được khuyến cáo nên đề phòng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Cảnh vắng lặng không bóng người tại Trung Quốc trong thời gian đỉnh dịch Covid-19

Bên cạnh đó, việc khử khuẩn môi trường thường xuyên cũng được áp dụng để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm virus qua không khí hay tiếp xúc với các vật dụng công cộng. Đối với 1 số dịch bệnh nghiêm trọng như SARS, Covid-19, người dân còn được khuyến cáo hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết để tránh lây nhiễm virus.

Tại Vũ Hán (Trung Quốc), nơi đầu tiên xuất hiện virus, từ trước Tết Nguyên đán tới nay, người dân vẫn luôn được khuyên nên ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết khiến cảnh đường phố tại đây luôn vắng lặng. Các trường học cũng cho trẻ em nghỉ tại nhà, cơ quan, trung tâm thương mại cũng tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.