10 năm sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương:

Thế giới chưa quên bài học lịch sử

ANTĐ - Đúng ngày này 10 năm trước, ngày 26-12-2004, một trận động đất 9,1 độ richter tại khu vực ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia đã gây nên một những đợt sóng thần khổng lồ tràn vào 14 quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương, trong đó có Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka…, cướp đi sinh mạng của hơn 240.000 người và khiến hàng triệu người bị mất nhà cửa, người thân. 

Thế giới chưa quên bài học lịch sử ảnh 1Thành phố Banda Aceh đổi thay sau 10 năm thảm họa

10 năm qua là quãng thời gian cực kỳ khó khăn với mỗi người dân và cả vùng đất chịu thiệt hại nặng nề này, nhất là thành phố Banda Aceh của     Indonesia,  nơi gần như đã bị san phẳng. Nhưng từ đau thương, mất mát đó, giờ đây những cây cầu, những ngôi làng và các con đường đã được xây mới. Các khu dân cư được đầu tư khang trang và được chuẩn bị kỹ càng hơn để đối phó với thảm họa thiên nhiên. 

 \Khi thảm họa đại sóng thần năm 2004 xảy ra, nhà chức trách Indonesia cho biết họ không thể đưa ra cảnh báo sớm vì hệ thống cảm biến của nước này đã bị sét đánh. Thái Lan có đưa ra cảnh báo nhưng quá muộn vì lúc đó đợt sóng thần đầu tiên đã ập vào còn Ấn Độ thì cảnh báo sai. Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các hệ thống cảnh báo được vận hành, thì với công nghệ và khoa học ở thời điểm đó, khó có thể dự đoán thiên tai ở đâu, thời gian xảy ra hay mức độ của thảm họa đó. 

10 năm trôi qua, sau bài học đắt giá hồi năm 2004, hiện công tác cảnh báo và đối phó với thiên tai của các khu vực ven biển đã tiến bộ rất nhiều. Đến nay, 28 nước khu vực ven Ấn Độ Dương đã đầu tư phát triển hệ thống cảnh báo trước thiên tai, sóng thần, tốn kém hơn 400 triệu USD. Gồm 101 thiết bị đo mực nước biển, 148 máy đo địa chấn và 9 phao, hệ thống này có thể gửi báo động đến các trung tâm cảnh báo sóng thần của các quốc gia trong vòng 10 phút sau khi có động đất. Đáng chú ý, vành đai bảo vệ đầu tiên phải kể đến phao cảnh báo sóng thần DART, đặt nhiều nhất ở quanh vành đai Thái Bình Dương. Gần đây nhất, dữ liệu của những chiếc phao này đã phát hiện thành công 3 đợt sóng thần tại Nhật Bản hồi năm 2011. Với những công nghệ phân tích dữ liệu và dự báo sóng thần chính xác, kịp thời hơn, các địa phương sẽ có thêm thời gian để kịp sơ tán người dân.

 Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị và diễn tập các phương án khi xảy ra thảm họa đã được chú trọng triển khai. Một vấn đề cũng rất được quan tâm là nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư, họ cần được tuyên truyền để hiểu những dấu hiệu tự nhiên và ứng phó kịp thời bằng những kỹ năng sinh tồn.

Lễ kỷ niệm với chủ đề “10 năm tưởng nhớ sự kiện sóng thần Ấn Độ Dương” sẽ được Bộ Ngoại giao Thái Lan tổ chức vào các ngày 26 và 27-12 tại tỉnh Phang Nga, Thái Lan. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi thông điệp tới Lễ kỷ niệm này với nội dung: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam chia sẻ sâu sắc với Chính phủ, nhân dân Thái Lan và các nước về những mất mát của thảm họa sóng thần cách đây 10 năm, đánh giá cao những nỗ lực to lớn khắc phục hậu quả. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau cam kết tăng cường hợp tác phòng, chống hiệu quả với thiên tai”. 

Theo TTXVN