Thế bí lộ rõ

(ANTĐ) - Thế bí của Mỹ ở Iraq ngày càng lộ rõ. Khi mà chủ đề chính của cuộc tiếp xúc này không phải là quan hệ song phương mà lại là cuộc chiến Iraq.

Thế bí lộ rõ

(ANTĐ) - Thế bí của Mỹ ở Iraq ngày càng lộ rõ. Khi mà chủ đề chính của cuộc tiếp xúc này không phải là quan hệ song phương mà lại là cuộc chiến Iraq.

Ông Bush tỏ ra hân hoan trước thỏa thuận đạt được với Quốc hội về vấn đề ngân sách cho cuộc chiến Iraq.
Ông Bush tỏ ra hân hoan trước thỏa thuận đạt được với Quốc hội về vấn đề ngân sách cho cuộc chiến Iraq.

Nói vậy là bởi, đây là lần đầu tiên kể từ khi cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1979, các quan chức Mỹ và Iran đã có cuộc gặp chính thức. Ấy thế nhưng ngay cả chương trình hạt nhân của Iran, chủ đề gây căng thẳng đến mức có thể làm bùng nổ chiến tranh giữa Mỹ và Iran, cũng không thấy nằm trong nội dung cuộc hội đàm đang diễn ra tại nhà riêng của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki ở Thủ đô Baghdad của Iraq.

Tham gia cuộc hội đàm kín có Đại sứ Mỹ tại Iraq R. Crocker, Đại sứ Iran H. Kazemi cùng quan chức đứng đầu ngành an ninh Iraq al-Rubaie. Theo ông R. Crocker, sẽ không có tuyên bố chính thức sau đàm phán nhưng sẽ có họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad sau sự kiện này.

Việc Washington cuối cùng cũng phải tìm cách tiếp xúc với Iran cho thấy “gánh nặng Iraq” ngày càng tỏ ra quá sức với Mỹ. Quả thực, bất chấp đội quân tăng viện gần 30.000 lính Mỹ đã đến Iraq, bạo lực vẫn tiếp tục hoành hành ở đất nước vùng Vịnh này. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, đã có 102 lính Mỹ thiệt mạng, đưa tổng số lính Mỹ chết trên chiến trường Iraq lên con số 3.440.

Thế bế tắc trên chiến trường Iraq là không thể phủ nhận. Một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Bush đã gọi tướng Petraeus, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Iraq, là người có tài nhưng lại là thuyền trưởng trên con tàu đang chìm”. Chính quyền Iraq hiện nay thì được quan chức này mô tả như “một số điện thoại di động thường không trả lời khi được gọi”.

Ngân sách mới không đưa ra thời gian biểu cho việc rút quân.
Ngân sách mới không đưa ra thời gian biểu cho việc rút quân.

Còn trên chính trường Mỹ, bất chấp việc ông Bush dùng đặc quyền của Tổng thống để buộc Quốc hội phải chấp thuận thông qua dự luật cấp ngân sách cho cuộc chiến Iraq, nhiều nghị sĩ vẫn tiếp tục gây sức ép đòi Nhà Trắng rút quân khỏi chiến trường vùng Vịnh. Thượng nghị sỹ C. Levin, Chủ tịch ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, đã công khai tuyên bố chiến lược Iraq của ông Bush đang thất bại và không có lý do nào để duy trì lực lượng ở nước này với mức độ hiện tại cho đến hết tháng 9.

Không tìm được lối thoát cho Iraq sẽ trở thành thảm họa cho chính quyền của ông Bush. Trong khi đó, dù không muốn thì Mỹ cũng không thể phủ nhận được thực tế là Iran đang có ảnh hưởng lớn với cộng đồng người Shiite chiếm đa số ở Iraq bởi phần lớn người Iran cũng theo đạo Hồi dòng Shiite. Iran thường xuyên duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các đảng phái chính trị và các nhóm dân quân Shiite ở Iraq. Không những thế, tình báo Mỹ có rất nhiều bằng chứng khẳng định chính Iran đứng đằng sau các cuộc tấn công nhằm vào lính Mỹ của lực lượng nổi dậy Iraq.

Iran muốn Mỹ đưa ra thời gian biểu rút quân khỏi Iraq.
Iran muốn Mỹ đưa ra thời gian biểu rút quân khỏi Iraq.

Nếu bạo lực cứ tiếp diễn, kịch bản xấu nhất có thể xảy ra là Iraq rơi vào tình trạng vô chính phủ, lính Mỹ rút đi buộc Chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki phải dựa hẳn vào Iran dưới ảnh hưởng của người Shiite. Chính vì thế mà dù đang rất căng thẳng với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này, Mỹ vẫn buộc phải chìa tay hợp tác với Iran, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Tehran sau hơn 27 năm đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao. Trong khi những lời đe dọa và biện pháp cấm vận nhằm vào Iran chưa đem lại hiệu quả, giải pháp ngoại giao dù sao vẫn là lối thoát khôn ngoan hơn. Mất thể diện một chút còn hơn là mất tất cả!

Hoàng Sơn