"Thắt lưng buộc bụng" vượt khó

ANTĐ - Đúng ngày Liên minh châu Âu (EU) công bố quyết định gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng, Chính phủ Nga cũng tuyên bố sẽ tinh giản biên chế nhằm “khắc phục tình trạng ngân sách eo hẹp”.

"Thắt lưng buộc bụng" vượt khó ảnh 1Đời sống người dân Nga đang gặp nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực bởi lệnh trừng phạt kinh tế của EU

Liên minh châu Âu ngày 21-12 đã gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nhằm gây áp lực với Matxcơva trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. EU cho biết, quyết định gia hạn trừng phạt Nga tới ngày 31-7-2016 được đưa ra sau khi lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU này nhận thấy, Thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine chưa được thực thi một cách toàn diện vào cuối năm 2015 như yêu cầu. 

Lệnh trừng phạt Nga kéo dài thêm 6 tháng của EU chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực như: tài chính, dầu mỏ và các lĩnh vực quân sự cũng như các cá nhân cụ thể ở Nga. Thông báo kéo dài thời gian áp dụng lệnh trừng phạt của EU nêu rõ, EU sẽ tiếp tục đánh giá sát sao tình hình thực hiện Thỏa thuận Minsk trong thời gian tới để có phản ứng thích hợp.

EU bắt đầu tiến hành trừng phạt kinh tế Nga từ tháng 6-2014, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Khi lệnh trừng phạt đầu tiên kéo dài 1 năm hết hạn vào tháng 6-2015, EU tiếp tục gia hạn thêm 6 tháng và nay lại tiếp tục gia hạn thêm một lần nữa nhằm gây áp lực để buộc Nga phải chùn bước trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hiện chưa có những đánh giá chính xác về thiệt hại trực tiếp mà lệnh trừng phạt kinh tế của EU gây ra cho Nga. Song theo ước tính, con số này có thể lên tới hàng trăm tỷ USD. Thiệt hại mang tính lan tỏa với nền kinh tế Nga có thể lớn hơn nhiều bởi EU là đối tác kinh tế lớn nhất và có ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế nước này.

Cùng với EU, Nga cũng bị một đối tác lớn khác là Mỹ trừng phạt kinh tế vì các lý do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, đặc biệt là việc sáp nhập Crimea. Nga còn chịu cảnh “họa vô đơn chí” khi đang bị EU và Mỹ trừng phạt kinh tế thì giá dầu mỏ - mặt hàng xuất khẩu chủ chốt  của nền kinh tế Nga - đã liên tục lao dốc thời gian qua và mới đây nhất đã xuống mức đáy trong 11 năm qua.

Bất chấp nhiều biện pháp đã được thực thi, kinh tế Nga vẫn gặp vô vàn khó khăn, đời sống người dân liên tục sụt giảm. Nhiều công trình và chính sách phúc lợi xã hội, an ninh đã được điều chỉnh hoặc cắt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp.

Đáng chú ý là cùng ngày EU công bố gia hạn thêm 6 tháng lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã ký quyết định cắt giảm 10% số nhân viên trong bộ máy Nhà nước từ ngày 1-1-2016. Theo ông Medvedev, quyết định này là nhằm hoàn thiện hoạt động của bộ máy Nhà nước, hướng đến nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh ngân sách và tình hình toàn cầu khó khăn. Trước đó, trong tháng 12-2015, Chính phủ Nga cũng đã thông qua quyết định hủy bỏ việc điều chỉnh lương công chức, sỹ quan quân đội và cơ quan tư pháp trong năm 2016. 

Trong bối cảnh đó, hoàn toàn có thể hiểu được vì sao Nga lại chỉ trích mạnh mẽ việc EU gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế và cho rằng gắn các biện pháp trừng phạt với cuộc khủng hoảng Ukraine là gượng ép, không có cơ sở, thiếu logic và “đạo đức giả”.