Tháo “nút thắt cổ chai”

ANTĐ - Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ đang là những quốc gia có độ tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu tại khu vực châu Á. Một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp duy trì tốc độ tăng trưởng là cả 3 nước đã thành công trong việc thoát khỏi "nút thắt cổ chai" cơ sở hạ tầng.

Dù được đầu tư mạnh nhưng cơ sở hạ tầng vẫn còn là một “nút thắt cổ chai”

ở Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc

Bản báo cáo nghiên cứu "Triển vọng giao thông đường bộ châu Á 2012" do Hãng tư vấn IQPC công bố ngày 19-12 nêu rõ, trong năm tới, Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dẫn đầu châu Á về tăng trưởng cơ sở hạ tầng giao thông. Nhận định này của hãng tư vấn nổi tiếng châu Á dựa trên kết quả nghiên cứu về nhịp độ tăng trưởng kinh tế, xu hướng hiện đại hóa, đô thị hóa, đầu tư và thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài của 3 nước cũng như của cả khu vực.

Báo cáo của IQPC cũng lưu ý nguyên nhân dẫn đến tình trạng "nút thắt cổ chai" trong đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông tại nhiều nền kinh tế khu vực dẫn đến tăng chi phí tổng thể và làm chậm tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức trên, triển vọng tổng thể cho khu vực vẫn tích cực nhờ động lực thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ để kết nối các vùng xa xôi với các khu vực phát triển hơn.

Động lực trên thể hiện rõ ở Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ, qua nhiều dự án dài hạn quốc nội cũng như hợp tác với khu vực. Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng trong nước, các nước còn mở rộng mạng lưới đường cao tốc châu Á, sẽ kết nối các nước trong khu vực Đông Á với một phần của các nền kinh tế chủ chốt ở Trung Á.

Có thể nói, cả 3 nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam dù đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc những năm qua nhưng đều có xuất phát điểm khá thấp so với thế giới. Trong đó, cơ sở hạ tầng luôn được xem là điểm yếu, một "nút thắt cổ chai" đáng quan ngại nhất, cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả 3 nước.

Chính vì thế mà 3 quốc gia đều rất chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng ngay từ thực hiện chiến lược tăng tốc phát triển kinh tế hàng chục năm qua. Thành công và đạt được thành tựu lớn nhất là Trung Quốc khi bộ mặt kinh tế nước này gần như "lột xác" hoàn toàn với những thành phố hiện đại, đường cao tốc và đường sắt phát triển, sân bay và cảng biển quy mô lớn...

Đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 6% mỗi năm trong suốt giai đoạn 2006-2020 để đến năm 2020 trở thành một trong số 34 nước công nghiệp phát triển nhất trên thế giới, Ấn Độ lên kế hoạch đầu tư 150 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trong những năm tới. Tương tự, Việt Nam cũng rất coi trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với mức đầu tư vào khoảng 10% GDP mỗi năm, tức trên 10 tỷ USD/năm.

Cùng với đó, cả Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ cùng coi trọng việc tham gia hợp tác phát triển mạng lưới đường cao tốc châu Á và đường sắt xuyên Á dự kiến gồm 250.000km đường bộ và đường sắt kết nối các thành phố lớn, các khu công nghiệp trọng điểm, và các khu vực thương mại quan trọng. Trong khi đó, theo nghiên cứu của ADB và Học viện ADB (ADBI), châu Á - Thái Bình Dương cần khoảng 8.000 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2020.