Tháo ngòi bom nổ chậm

(ANTĐ) - Tổng thống P. Musharraf sẽ rời khỏi quân đội nếu tái cử. Tuyên bố của ông S. Pirzada, luật sư đại diện cho Chính phủ Pakistan, chẳng khác nào như hành động tháo ngòi nổ của “quả bom nổ chậm” trên chính trường nước này.

Tháo ngòi bom nổ chậm

(ANTĐ) - Tổng thống P. Musharraf sẽ rời khỏi quân đội nếu tái cử. Tuyên bố của ông S. Pirzada, luật sư đại diện cho Chính phủ Pakistan, chẳng khác nào như hành động tháo ngòi nổ của “quả bom nổ chậm” trên chính trường nước này.

Đã hàng tháng nay, việc Tổng thống  P. Musharraf ra tranh cử trong bộ quân phục tướng đã trở thành chủ đề làm nóng chính trường Pakistan. Phe đối lập và ngay cả một số thành viên trong liên minh cầm quyền đã liên tiếp phản đối ý định của ông P. Musharraf tiếp tục nắm giữ hai chức vụ quyền lực nhất về nhà nước và quân đội. Bầu không khí càng căng thẳng hơn khi chỉ vài ngày nữa là đến thời điểm ông P. Musharraf chính thức nộp hồ sơ tranh cử.

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 1999 lật đổ Tổng thống N. Sharif, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập, ông P. Musharraf vẫn kiêm nhiệm chức Tổng tư lệnh quân đội. Hơn ai hết ông P. Musharraf hiểu rằng, ở một đất nước vốn bị điều hành bởi các tướng lĩnh trong hơn ba thập kỷ qua, chức Tổng tư lệnh quân đội sẽ đem đến một thực quyền thế nào.

Thế nhưng nay tình thế trên chính trường đã có nhiều đổi thay. Kinh tế không cải thiện cùng bất ổn xã hội đã làm xói mòn dần quyền lực của ông P. Musharraf. Hình ảnh vụ tấn công Thánh đường đỏ hồi đầu tháng 7 vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân Pakistan.

Tổng thống P. Musharraf
Tổng thống P. Musharraf

Để giải cứu những con tin bị các sinh viên Hồi giáo bắt giữ, quân đội Pakistan đã xuống tay quá mạnh khiến hơn 100 dân thường thiệt mạng. Với nhiều người Pakistan, sự kiện này là minh chứng cho thấy thất bại của quân đội cũng như khả năng yếu kém của Tổng thống trong việc xử lý tình huống và kìm hãm làn sóng Hồi giáo cực đoan ngày càng dâng cao ở Pakistan.

Đến khi Tòa án tối cao Pakistan cho phép cựu Thủ tướng lưu vong N. Sharif, đối thủ không đội trời chung từng bị ông P. Musharraf lật đổ, được trở về nước tranh cử, thì thời uy quyền tuyệt đối của Tổng thống  P. Musharraf đã qua.

Chưa hết, ngay cả trong nội bộ của mình, ông Musharraf cũng vấp phải sự phản đối khi một Bộ trưởng thuộc đảng Pakistan Muslim League-Qaid của Tổng thống đã từ chức để phản đối ý định của ông P. Musharraf vừa tranh cử Tổng thống vừa giữ chức Tổng chỉ huy quân đội.

Trong bối cảnh đó, quyết định sẽ rời khỏi quân đội nếu tái cử có thể coi là con bài thỏa hiệp mà ông P. Musharraf đưa ra. Nó phản ánh thực tế tương quan lực lượng hiện nay trên chính trường Pakistan.

Đó là ông P. Musharraf không thể duy trì quyền lực tuyệt đối như cũ mà phải từ bỏ ghế Tổng chỉ huy quân đội Pakistan nếu như muốn bảo đảm chắc chắn được tái cử trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào giữa tháng 9 và tháng 10. Còn phe đối lập thì cũng chưa tin rằng mình đủ sức để đảo ngược tình thế.

Nhưng việc ông P. Musharraf chỉ chịu rời bỏ chức Tổng chỉ huy quân đội một khi được tái cử cho thấy ông đang chơi chiến thuật “nắm dao đằng chuôi”. Thông điệp mà ông P. Musharraf muốn đưa ra với  phe đối lập là không thể có kịch bản “đi hay ở” với ông mà chỉ có thể là chuyện chia sẻ quyền lực mà thôi. Và việc ông chịu từ bỏ chức vụ trong quân đội là giới hạn cuối cùng của màn thỏa hiệp.

Hoàng Sơn