"Thành phố bọt biển" - tích nước ngày mưa, làm mát ngày nắng

ANTD.VN - Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, chính quyền thành phố Berlin (Đức) đang triển khai xây dựng dự án “Thành phố bọt biển” có khả năng tích nước ngày mưa và làm mát ngày nắng.

Các tòa nhà được phủ cây xanh trên mái nhà và bên ngoài ở khu Rummelsburg, phía Đông Berlin

Các kiến trúc sư người Đức trong dự án này cho biết, ý tưởng của họ đồng thời giải quyết được 2 hệ quả của biến đổi khí hậu cùng một lúc: làm mát cho thành phố vào mùa hè và giảm tình trạng ngập lụt trong thành phố khi có những cơn mưa lớn trút xuống và bão lớn.

Giải quyết cùng lúc 2 hệ quả của biến đổi khí hậu

Ý tưởng về thành phố bọt biển của các kiến trúc sư Đức bắt nguồn từ các hiện tượng trong tự nhiên. Trong tự nhiên, khi mưa, nước mưa sẽ ngấm vào trong đất và thực vật. Tuy nhiên, phần nước còn lại rất lớn và thường bị bay hơi. Và ở hầu hết các thành phố lớn, khi nước mưa rơi xuống sẽ không ngấm được hết vào lòng đất bởi có quá nhiều con đường bê tông và lượng cây xanh hạn chế, nên nước mưa sẽ theo các hệ thống cống thoát nước chảy vào hồ chứa.

Do đó, các kiến trúc sư người Đức đã nghĩ tới việc chống ngập lụt mà không cần cống thoát nước. Trái lại, họ tìm cách hấp thụ và tích trữ nước mưa trong những ngày mưa bão để làm dịu mát bầu không khí nội thành trong những ngày nắng rát. Biện pháp của họ có cơ chế hoạt động đơn giản như một miếng “bọt biển”.

Các kiến trúc sư người Đức đã nghĩ tới việc chống ngập lụt mà không cần cống thoát nước. Trái lại, họ tìm cách hấp thụ và tích trữ nước mưa trong những ngày mưa bão để làm dịu mát bầu không khí nội thành trong những ngày nắng rát. Biện pháp của họ có cơ chế hoạt động đơn giản như một miếng “bọt biển”.

Những điểm nổi bật mà chính quyền Berlin đã làm để đối phó với biển đổi khí hậu là thường xuyên trồng thêm nhiều cây xanh để tỏa bóng mát cho các con đường, phủ xanh tất cả các mái nhà bằng cỏ và rêu; sơn các tòa nhà bằng sơn sáng màu để phản chiếu thay vì sơn tối màu sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời; phủ các lớp cản nhiệt trên các tuyến phố để ngăn việc nhựa đường bị chảy ra khi trời nóng; quy hoạch các vùng trữ nước và thiết kế thêm nhiều kênh mương nhỏ thấm nước khi trời mưa. 

“Stadtchwamm - một thuật ngữ trong tiếng Đức có ý nghĩa là “thành phố bọt biển”. Điểm mấu chốt ở đây chính là tránh bị “khóa chặt” trong bề mặt toàn bê tông và nhựa đường. Bất cứ nơi nào chúng tôi cũng có thể biến chúng thành bề mặt có thể thấm nước, chẳng hạn như bãi đỗ xe, dải phân cách đều có thể làm lại bề mặt để nước có thể ngấm vào đất”, Heike Stock, một quan chức thành phố Berlin chịu trách nhiệm triển khai dự án “Thành phố bọt biển” chia sẻ.

Ngoài ra, “chúng tôi còn muốn kiến tạo nhiều ao, mương hay cả đầm lầy giữa thành phố. Cùng với đó là các công viên, khu vườn có không gian xanh, những chiếc sân nhỏ, dải phân cách giữa các con đường cũng có khả năng tích tụ được lượng lớn nước mưa”, ông Stock cho biết thêm. 

Người tiên phong tạo bước đi định hình quy mô lớn

Trên thực tế, mô hình thành phố bọt biển đã rất thành công ở Đức. 22 năm trước, một thành phố với mô hình kiểu này đã được triển khai thử nghiệm ở khu dân cư Rummelsburg, phía Đông Berlin, với những tòa nhà được phủ xanh gần như toàn bộ. Các tòa nhà ở đây hầu hết đều được phủ kín đầy cỏ ở sân thượng và mái nhà. Khi mưa xuống, nước mưa sẽ ngấm vào những thảm cỏ này, phần còn lại sẽ chảy xuống đất. Tại thành phố thử nghiệm này, người ta không xây dựng các cống thoát nước bằng bê tông mà thay vào đó là hệ thống kênh mương, phủ cỏ nên nó giống như một chiếc điều hòa thiên nhiên tạo cho người dân cảm giác rất thoải mái, dễ chịu hơn so với các khu vực khác. 

Để mô hình “Thành phố bọt biển” sớm được nhân rộng, hiện chính quyền thành phố Berlin đang khuyến khích xây dựng các công trình mới có tính năng “xanh” giúp con người hòa hợp cùng thiên nhiên để đối phó với sự nóng lên toàn cầu và hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Đồng thời, chính quyền thành phố Berlin cũng đưa ra những giải thưởng hấp dẫn đối với người dân và họ tin rằng sẽ sớm có những giải pháp thích hợp nhất chống biến đổi khí hậu.

Sau Đức là Trung Quốc. Là nơi hứng chịu nhiều đợt mưa lũ nhất trên thế giới, do đó, giới chức nước này luôn để tâm tìm giải pháp chống lại biến đổi khí hậu nhằm giảm những thiệt hại nặng nề mà thiên tai gây ra. Năm 2017, Trung Quốc cũng bắt đầu triển khai xây dựng hàng loạt “Thành phố bọt biển” với kinh phí lên tới khoảng 12 tỷ USD. Hiện, Trung Quốc đã thí điểm dự án “Thành phố bọt biển” tại 30 thành phố của nước này, trong đó có Thượng Hải, Vũ Hán và Hạ Môn. 

Chiến lược “Thành phố bọt biển” chỉ sử dụng 2 yếu tố chính là thấm nước bề mặt và hạ tầng xanh, nên đây là giải pháp đáp ứng tốt yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu những thiệt hại do mưa lũ gây ra.