Thăng trầm của 7 Bộ trưởng Tài chính “gạo cội”
(ANTĐ) - Ngày 18-9-2008, Bộ trưởng Tài chính Surapong Suebwonglee từng tuyên bố, không nắm giữ bất kỳ vị trí nào trong Chính phủ của Thủ tướng Somchai Wongsawat cho dù ông từng là Tổng Thư ký Đảng Quyền lực Nhân dân. Bộ trưởng Tài chính Surapong Suebwonglee đưa ra tuyên bố kể trên sau khi Thủ tướng Samak Sundaravej bị phế truất. Trước đó, ngày 28-2-2007, Bộ trưởng Tài chính Pridiyathorn Devakula cũng từng từ chức vì bất đồng với Thủ tướng Surayud Chulanont. Ông Pridiyathorn Devakula bị nhiều nhà đầu tư bất bình sau khi quyết định áp đặt việc kiểm soát vốn, động thái dẫn tới sự sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán.
Bộ trưởng Tài chính Surapong Suebwonglee |
Bộ trưởng Tài chính Kenya
Bộ trưởng Tài chính Amos Kimunya cho rằng, thà chết chứ không từ chức sau khi bị dư luận chỉ trích về việc mua bán bí mật khách sạn 5 sao Grand Regency hồi thượng tuần tháng 7-2008. Sau đó khách sạn này lại được bán cho các nhà đầu tư Libya. Theo ông Amos Kimunya, vụ mua bán kể trên đã mang lại một khoản tiền lớn cho ngân quỹ. Nhưng dư luận lại cho rằng, ông Amos Kimunya đã định giá khách sạn 5 sao Grand Regency quá thấp trước khi bán cho các nhà đầu tư Libya với giá 45 triệu USD. Vụ bê bối kể trên đã khiến cho uy tín của Bộ trưởng Tài chính Amos Kimunya, người thuộc Đảng Đoàn kết Quốc gia của Tổng thống Mwai Kibaki bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tạo cơ hội cho phe đối lập công kích. Bộ trưởng Tư pháp cùng các tổ chức chống tham nhũng và một số chính khách từng nhiều lần kêu gọi ông Amos Kimunya từ chức, nhưng bất thành.
Bộ trưởng Tài chính Italia
Ngày 14-7-2008, cựu Bộ trưởng Tài chính Ottaviano del Turco và nhiều quan chức cao cấp khác đã bị bắt vì bị cáo buộc tham nhũng. Những người kể trên bị cáo buộc có liên quan đến một vụ gian lận tài chính trị giá 12,8 triệu Euro trong hệ thống y tế công. Khi bị bắt, ông Ottaviano del Turco là Thống đốc vùng Abruzzo và từng là Chủ tịch ủy ban chống Mafia của Quốc hội hồi cuối những năm 1990. Cho đến nay, ông Ottaviano del Turco vẫn liên tục bác bỏ những cáo buộc của cơ quan chức năng.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc
Theo phát ngôn viên của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Kim Nhân Khánh xin từ chức vì lý do cá nhân, nhưng dư luận lại có những tin đồn khác nhau. Có người nói rằng, Bộ trưởng Kim Nhân Khánh phải ra đi vì không kiểm soát được tình trạng lạm phát gia tăng, cũng như không kiểm soát được thị trường chứng khoán đầy biến động. Nhưng lại có tin cho rằng, ông Kim Nhân Khánh buộc phải từ chức vì có những sai phạm trong kinh tế cũng như liên quan tới bê bối tình ái. Ngay từ cuối tháng 12-2006, Lý Vy, mỹ nữ với biệt danh “Người tình công cộng” - tình nhân của hàng chục quan chức đã bị cơ quan chức năng giám sát và bắt giữ. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức nào về việc Lý Vy có quan hệ tình ái với ông Kim Nhân Khánh.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản
Bộ trưởng Tài chính Sadakazu Tanigaki từng nói sẽ ngồi vào chiếc ghế của Thủ tướng Junichiro Koizumi, nhưng bất thành bởi cách đây gần 3 năm (tháng 3-2006), ông đã bị giới truyền thông phanh phui một vụ bê bối nghiêm trọng. Ông Sadakazu Tanigaki từng có tên trong danh sách những người bị bắt vì tội mua dâm hồi tháng 4-1998. Theo giới truyền thông, Bộ Công an Trung Quốc từng gửi cho Cục Cảnh sát Nhật Bản biên bản xét hỏi Bộ trưởng Tài chính Sadakazu Tanigaki sau khi ông làm quen và đưa một cô gái ở phòng nhảy lên phòng riêng của mình. Khi đó, Bộ trưởng Tài chính Sadakazu Tanigaki tới Trung Quốc với tư cách đại biểu của Hội Nhân sĩ Trung - Nhật lần thứ 4 bởi ông là Nghị sỹ Quốc hội. Ngay sau khi thông tin kể trên được đăng tải, ông Sadakazu Tanigaki đã lên tiếng bác bỏ và còn dọa sẽ kiện Tuần san Văn trích vì tội đưa tin không đúng sự thật. Ông Sadakazu Tanigaki là người cẩn trọng và là một trong số ít Bộ trưởng tại vị lâu nhất trong nội các đầy biến động của Thủ tướng Junichiro Koizumi.
Bộ trưởng Tài chính Na Uy
Cách đây hơn 7 năm, Bộ trưởng Tài chính Per-Kristian Foss đã khẳng định với tờ nhật báo Tài chính Dagens Naeringsliv việc kết hôn với “cô” Jan Erik Knarbakk, Giám đốc Tập đoàn truyền thông Schibsted ASA, Na Uy tại Đại sứ quán Na Uy ở Stockholm. Đám cưới hôm 15-1-2002 chỉ là công khai hóa cuộc sống chung bấy lâu giữa Bộ trưởng Tài chính Per-Kristian Foss với “cô” Jan Erik Knarbakk. Khi đó, ông Per-Kristian Foss là quan chức cấp cao nhất trên thế giới tổ chức đám cưới đồng tính nam; và Na Uy là quốc gia thứ 2 trên thế giới (sau Đan Mạch) thừa nhận hôn nhân đồng tính.
Bộ trưởng Tài chính Anh
Không những là thành viên duy nhất trong Quốc hội công khai chuyện đồng tính nữ, bà Bộ trưởng Tài chính Angela Eagle còn quyết định kết hôn với cô Maria Exall, nữ kỹ sư của Tập đoàn viễn thông Anh (British Telecom). Tuy là đám cưới hợp pháp và được xã hội chấp nhận, nhưng hôn lễ của Bộ trưởng Tài chính Angela Eagle cũng tạo nên cú sốc trên chính trường xứ sở sương mù. Theo luật Civil Partnership năm 2004, những người đồng tính có quyền lợi và nghĩa vụ giống những cặp kết hôn khác giới - được sống chung với nhau và được hưởng một số quyền lợi mới như việc làm, lương hưu, thừa kế.
Lê Cao Sơn
(Tổng hợp)